Phân hữu cơ là loại phân được sử dụng nhiều trong canh tác nông nghiệp. Phân hữu cơ được sản xuất từ phân của động vật, xác động thực vật, than bùn.
Bón phân hữu cơ giúp tăng thêm độ màu mỡ, độ tơi xốp cho đất. Phân hữu cơ, sau khi được vi sinh vật phân giải sẽ tạo ra các khoáng chất mà cây trồng có thể hấp thu. Bón nhiều và đa dạng các loại phân hữu cơ sẽ giúp cho đất có nhiều loại khoáng, từ đó giúp cho cây trồng, đặc biệt là cây ăn trái có được hoa quả thơm ngon, chất lượng.
Có 5 loại phân hữu cơ thường được sử dụng trong canh tác cây trồng ngày nay đó là:
1. Phân chuồng
Phân chuồng là loại phân do gia súc, gia cầm thải ra. Phân chuồng là hỗn hợp chủ yếu của: phân, nước tiểu của vật nuôi và chất độn (tàn dư thực vật, rác hữu cơ), được ủ bằng phương pháp truyền thống hoặc sử dụng chế phẩm sinh học để ủ. Một số loại phân chuồng phổ biến như phân bò, phân heo, phân dê,…
Phân chuồng bổ sung các chất dinh dưỡng cho cây trồng như đạm, lân, kali,… và cung cấp một lượng lớn chất mùn giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, tơi xốp và ổn định kết cấu đất tạo điều kiện cho bộ rễ phát triển, hạn chế nước bốc hơi, chống xói mòn, hạn hán.
Tìm hiểu: Cách ủ phân chuồng hoai mục và bán hoai mục để bón cho cây trồng
2. Phân trùn quế
Phân trùn quế (hay còn gọi là phân giun quế) là sản phẩm được tạo thành từ chất thải của trùn quế. Thức ăn chính của trùn quế là những chất hữu cơ như phân bò, phân heo, phân gà vịt, các rác thải hữu cơ,… Các chất hữu cơ này được xử lý thông qua hệ thống tiêu hóa của trùn quế và tạo thành phân trùn quế.
Phân trùn quế là phân bón hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho cây và cải tạo đất, phù hợp hầu hết với tất cả các loại cây trồng. Phân thích hợp để bón cho cây vào giai đoạn sau thu hoạch, bởi vì phân trùn quế có tính hoạt tính cao, nhiều chất dinh dưỡng, bên cạnh đó nhờ có cấu tạo dạng viên tròn được bao quanh bởi một lớp keo hữu dụng, phân trùn quế khi bón vào đất sẽ làm tăng khả năng giữ nước và dinh dưỡng, làm cho đất tơi xốp, không bị xói mòn và giữ ẩm lâu hơn.
Ngoài ra phân trùn chứa đựng hàng ngàn kén trùn nên khi ta bón phân trùn vào đất, gặp điều kiện thuận lợi, kén trùn sẽ nở ra và sinh sống, hoạt động giúp cải thiện tính chất đất.
3. Phân cá
Trong cá chứa rất nhiều vitamin, protein, khoáng chất rất tốt cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Đặc biệt là cây ăn trái. Ngoài tác dụng cung cấp dinh dưỡng cho cây, phân cá còn có tác dụng giúp cải tạo đất, làm cho cây khỏe, trái to.
Bên cạnh đó, phân cá còn giúp cây tăng sức đề kháng, giúp giữ ẩm cho đất, kích thích sự ra hoa, tăng khả năng đậu trái, giúp trái lớn đồng đều,…
Sản xuất phân đạm cá có thể tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm từ quá trình chế biến như đầu cá, bao tử cá, mang cá…. hạn chế chất thải động vật ra môi trường
Đọc thêm: Cách ủ phân cá không mùi hôi để bón cho cây trồng tại nhà
4. Phân gà
Phân gà là một loại phân hữu cơ có thành phần dinh dưỡng cao, đặc biệt là hàm lượng kali. Gần như tất cả các loại cây trồng đều có thể sử dụng phân gà để bón.
Dinh dưỡng trong phân gà làm tăng sức đề kháng cho cây, giảm được một số bệnh gây hại cho cây và rễ cây. Bên cạnh đó phân gà giúp cải tạo đất, giảm mặn, giảm chua, giúp giữ ẩm tốt. Cung cấp hàm lượng hữu cơ, bổ sung các vi sinh vật có lợi cho đất, làm tăng độ phì nhiêu của đất.
Mặc dù là loại phân giàu dinh dưỡng, nhưng phân gà tươi lại tồn tại nhiều nhược điểm. Phân gà chưa qua xử lý chứa một số loại nấm bệnh, vi khuẩn có mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường và không tốt cho cây. Do đó chỉ nên sử dụng khi chắc chắn phân đã được xử lý kỹ, tiêu diệt hết các mầm nấm, tuyến trùng, vi sinh vật gây hại cây. Nên sử dụng các loại chế phẩm vi sinh như nấm Trichoderma để ủ phân gà, giúp khử mùi hôi, đẩy nhanh tốc độ phân hủy, ức chế và tiêu diệt các nấm bệnh gây hại cây trồng.
Đọc thêm: Cách ủ phân gà tươi bằng nấm trichoderma tại nhà
5. Phân đậu tương
Phân hữu cơ được chế biến từ đậu tương như bột đậu tương, phân ủ từ bánh dầu, bã đậu nành là một nguồn đạm, vitamin, vi lượng tự nhiên rất tốt cho cây trồng. Với việc đất đai thoái hóa do lạm dụng phân hóa học thì phân làm từ đậu tương, cũng như phân chuồng là hai loại phân đang khá thịnh hành.
Sở dĩ các loại phân này đang được lan truyền rộng rãi cũng bởi vì ngoài tác dụng bổ sung dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng như acid amin (đạm hữu cơ), trung, vi lượng, vitamin và khoáng chất thì các loại phân này còn có tác dụng góp phần cải tạo đất, tăng độ mùn cho đất, tăng mật độ vi sinh vật trong đất giúp phân giải lân, kali khó tan trong đất rất tốt.
Đọc thêm: Cách ủ đậu tương với Trichoderma dễ làm ngay tại nhà