Bệnh thán thư trên thanh long là bệnh hại nguy hiểm thường gặp trên các loại thanh long. Bệnh gây tổn thất lớn đến năng suất và phẩm chất của nông sản, đặc biệt là trên cây mang trái vào mùa mưa bão. Bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về bệnh thán thư và cách phòng trị bệnh thán thư trên thanh long.
1. Biểu hiện bệnh thán thư trên thanh long
Trên cành: thối mềm, có màu vàng sáng, sau đó chuyển dần sang màu nâu, vết thối thường bắt đầu từ phần ngọn hoặc gai của các cành thanh long. Sau đó đi vào bên trong phần thịt cành và lõi cành.
Trên hoa: vết bệnh xuất hiện đầu tiên là những chấm nhỏ li ti , màu đen. Vết bệnh lớn hơn thì xung quanh có quầng màu vàng, làm hoa khô và rụng. Điều này làm giảm đáng kể số lượng trái về sau đối với những vườn bị nhiễm nặng.
Trên trái: Mầm bệnh tồn tại trên vỏ trái lúc còn xanh, ban đầu là những đốm nhỏ màu vàng, sau đó lớn dần lên và chuyển sang màu nâu đen
2. Nguyên nhân
Do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây hại, bệnh xuất hiện khi thời tiết mưa nhiều, ẩm độ cao, và đặc biệt là cây có nhiều cành non.
3. Biện pháp phòng trừ:
Khi bệnh xuất hiện, tiến hành tỉa bỏ và thu gom những cành nhánh, thân, quả hoa bị nặng mang đi tiêu hủy để tránh lây lan. Sử dụng 500ml nano đồng và 200ml nấm đối kháng với 200 lít nước phun xịt đều lên cây để sát khuẩn và diệt nấm. Bà con cho phun xịt hai lần cách nhau 5 ngày. Bệnh sẽ kiểm soát được ngay.
Chọn giống thanh long sạch bệnh, sinh trưởng tốt.
Trong vườn có rãnh thoát nước để vườn không bị đọng nước trong mùa mưa.
Trồng thanh long với mật độ vừa phải giúp vườn luôn thông thoáng.
Bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm. Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục kết hợp với nấm đối kháng Trichoderma.
Tủ gốc giữ ẩm cho cây bằng rơm rạ, cỏ khô hoặc trồng cây đậu phộng dại vào gốc thanh long để giữ ẩm mà không cần tủ rơm rạ.
Thường xuyên thăm vườn, kịp thời phát hiện bệnh để có hướng giải quyết kịp thời.