Đăng bởi Để lại phản hồi

Các quy định của Trung Quốc về xuất khẩu nông sản chính ngạch

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản tiềm năng của Việt Nam, nhưng hiện tại đây không còn là thị trường dễ tính, khi mà Trung Quốc đã bắt đầu siết chặt đường tiểu ngạch và đưa ra các quy định liên quan đến xuất khẩu các mặt hàng theo đường chính ngạch.

Đại diện Hải quan Trung Quốc đã đưa ra những yêu cầu khá chi tiết về an toàn thực phẩm, quy định về nguồn gốc xuất xứ, cách bao gói sản phẩm và danh mục hàng hóa được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Đặc biệt, quy trình xem xét trái cây của Việt Nam vào Trung Quốc cũng có các yêu cầu kỹ thuật cụ thể về việc đánh giá rủi ro sâu bệnh. Ngoài ra, phía Hải quan Trung Quốc khẳng định các sản phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc không được có dư lượng chất hóa học vượt ngưỡng cho phép, hay làm hại đến sinh thái, môi trường.

1. Các mặt hàng trái cây được phép xuất khẩu

Hiện tại chỉ 9 mặt hàng rau quả của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch, bao gồm: Thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, măng cụt, xoài, mít, chuối, dưa hấu.

Trong thời gian tới sẽ có một số mặt hàng khác được chấp thuận như chanh leo, sầu riêng, bưởi, dừa, khoai lang, mãng cầu,…

2. Quy định về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm

Tiêu chuẩn vệ sinh đối với việc sử dụng phụ gia thực phẩm (GB 2760-2007) của Trung Quốc cụ thể như sau:

  • Chất 2,4 – diclorophenoxy axetic axid (tác dụng chống thối), lượng sử dụng tối đa 0.01g/kg, dư lượng ≤ 2.00mg/kg.
  • Các hợp chất: sunfur dioxide, potassium metabisulphite, sodium metabisulphite, sodium hydrogen sulfite, sodium hyposulfite sử dụng đối với hoa quả tươi qua xử lý bề mặt, lượng sử dụng tối đa 0.05g/kg.
  • Các hợp chất: sunfur dioxide, potassium metabisulphite, sodium metabisulphite, sodium hydrogen sulfite, sodium hyposulfite sử dụng đối với hoa quả khô, lượng sử dụng tối đa 0.1g/kg.

3. Các quy định về kiểm dịch thực vật

Kiểm dịch

Trái cây nhập khẩu phải chịu toàn bộ sự giám sát về kiểm dịch kiểm nghiệm; chủ hàng khi báo kiểm phải cung cấp thông tin tình hình trồng trọt, nơi sản xuất của nước xuất khẩu và phương thức vận chuyển hàng hoá nhập khẩu, tình hình tiêu thụ, sử dụng. Cơ quan kiểm dịch kiểm nghiệm sẽ tiến hành giám sát trước và tiếp tục quản lý sau.

Giám sát trước: Cơ quan kiểm nghiệm kiểm dịch có thể áp dụng các phương pháp khảo sát vùng trồng về tình hình trồng trọt, sản xuất trái cây của nước xuất khẩu; dự kiểm nơi sản xuất, kiểm nghiệm kiểm dịch trước khi bao gói, vận chuyển hoặc kiểm tra ngoài nước… đảm bảo trái cây nhập khẩu phù hợp với yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch.

Bao gói

Trái cây nhập khẩu phải có bao gói, trên đó phải ghi rõ tên sản phẩm, địa chỉ, số lượng, trọng lượng, số hồ sơ vườn trồng (kí hiệu), số đăng ký vệ sinh xưởng, cơ sở bao gói, tiêu chí kiểm dịch chính thức, đồng thời đối chiếu có phù hợp yêu cầu kiểm dịch hay không.

Trái cây nhập khẩu không được dính đất, cành hoặc lá và không có côn trùng gây hại, cỏ dại hoặc các loại bệnh. Không được dùng thực vật như lá, trái cây, rơm rạ … làm vật liệu chèn lót. Cành cuống, quả không được quá 15cm.

Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng phải phù hợp với tiêu chuẩn cho phép của Trung Quốc.

Giấy phép

Trái cây phải phù hợp với nội dung giấy phép nhập khẩu; số lượng không được vượt quá số lượng cho phép; không được nhập khẩu kèm các loại hoa quả chưa được phép nhập khẩu chính thức.

Trái cây nhập khẩu phải có Giấy Chứng nhận kiểm dịch chính thức của nước (khu vực) xuất khẩu hoặc giấy tờ chứng minh có liên quan. Tại giấy chứng nhận kiểm dịch do nước xuất khẩu cấp cần thống nhất 3 thông tin gồm số container, người nhận hàng, người ký kết hợp đồng thương mại.

Để nâng cao tốc độ thông quan, bảo đảm chất lượng, trái cây nhập khẩu phải đạt tiêu chuẩn kiểm nghiệm kiểm dịch.

Trái cây nhập khẩu qua kiểm dịch kiểm nghiệm khi phát hiện thấy sinh vật hại, hoặc chất độc hại thuộc quy định chính thức của Trung Quốc sẽ căn cứ tình hình hàng hoá tiến hành cách thức xử lý như: trả lại, tiêu huỷ, xử lý trừ dịch hại… Căn cứ quy định, chủ hàng phải chịu chi phí xử lý.

4. Quy định về Truy xuất nguồn gốc

Kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2018, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam khi làm thủ tục xin “Giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu” tại cơ quan quản lý kiểm nghiệm, kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây cần cung cấp thêm “hình ảnh chụp bao bì chứa thông tin truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm”. Thông tin bao gồm: tên sản phẩm hoa quả; nguồn gốc xuất xứ; tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh

5. Hải quan

Hồ sơ hải quan bao gồm: Tờ khai hải quan xuất khẩu lô hàng (tờ khai điện tử); Hợp đồng kinh tế giữa bên bán và bên mua; Hóa đơn thương mại (hóa đơn GTGT) của doanh nghiệp hoặc của thương nhân Việt Nam; Các loại giấy tờ khác có liên quan như Bảng kê chi tiết lô hàng (kiện hàng), giấy chứng nhận kiểm dịch, tờ khai đối với phương tiện vận tải xác nhận của hải quan; tờ khai biên phòng về phương tiện vận tải…

Đối với tờ khai hải quan điện tử, doanh nghiệp và thương nhân Việt Nam có hàng xuất khẩu phải tự kê khai theo mẫu hướng dẫn của cơ quan hải quan. Chủ hàng là người Việt Nam phải có hộ chiếu phổ thông để qua lại cửa khẩu chính ngạch.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.