Tập quán canh tác độc canh, thói quen không dùng phân chuồng, phân hữu cơ để bồi bổ cho đất dẫn đến tình trạng đất ngày càng thoái hóa, bạc màu. Chúng ta bón phân hóa học vì nó gọn nhẹ và có hiệu quả nhanh. Nhưng đâu biết rằng sức khỏe của đất đang ngày một yếu vì phân hóa học. Năng suất cây trồng ngày một kém trong khi lượng phân phải bón ngày càng tăng
Những loại đất xấu, thoái hóa, bạc màu thường có những nhược điểm như bị mất tầng đất canh tác, nghèo chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất hữu cơ, khô hạn, ngập úng, chua hoá, mặn hoá… Vậy để có thể tiếp tục canh tác trên những vùng đất như vậy mà vẫn đạt hiệu quả kinh tế bà con cần phải cải tạo đất bằng các biện pháp như luân canh, thâm canh hợp lý, phân bón, thuỷ lợi…
Sau đây là những biện pháp để cải tạo đất thoái hóa, bạc màu:
1. Che phủ đất bằng cỏ:
Đây là biện pháp giúp hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm cho đất, chống gió rét. Giúp phân phối đều nước không gây úng thối cho cây trồng. Tạo điều kiện cho vi sinh vật trong đất hoạt động tốt làm cho đất tơi xốp, thoáng khí. Giúp cho hệ rễ cây trồng phát triển tốt.
2. Biện pháp làm đất:
– Đất bạc màu thường khô và cứng do đó cần hạn chế xới xáo để tránh mất nước do bốc hơi, nhất là vào thời kỳ khô hạn. Chỉ nên kết hợp xới xáo khi bón phân, tưới nước.
– Nếu trồng lúa trên đất bạc màu thì không nên xếp ải dễ làm đất mất thêm nước, hệ vi sinh vật còn sót lại trong đất sẽ bị chết, đất càng trở nên chai cứng hơn
– Trồng màu thì lên luống cao kết hợp tưới nước theo rãnh là biện pháp cải tạo đất bạc màu tối ưu nhất.
3. Thuỷ lợi:
Đây là biện pháp kỹ thuật quan trọng hàng đầu trong việc cải tạo lại đất bạc màu. Việc tưới tiêu nước chủ động, khoa học bằng một hệ thống kênh mương hoàn chỉnh nhằm cải thiện :
– Cải thiện độ phì đất bạc màu, tăng độ ẩm, cải thiện được các đặc tính lý hoá trong đất
– Làm cho đất tơi xốp hơn, tăng khả năng kết dính trong đất, giữ nước tốt hơn
– Giúp hệ vi sinh vật trong đất hoạt động tốt hơn. Tạo điều kiện giúp cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt hơn.
4. Biện pháp hữu cơ:
– Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, đa dạng hóa cây trồng tăng năng suất. Góp phần cải tạo đất bằng cách trả lại đất phần bã hữu cơ.
– Tăng cường bón lóp bằng các nguồn phân hữu cơ như phân chuồng, phân xanh… để cải tạo và tăng độ phì cho đất. Phân hữu cơ phải được ủ hoai mục bằng nấm TRICODEMA để không gây ô nhiễm môi trường và không gây hại cho cây trồng. Ngoài ra có thể sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, mùn trấu, rác sinh hoạt, than bùn… để SX phân hữu cơ vi sinh dùng làm chất cải tạo đất rất tốt.
Một số công thức trồng trọt có thể áp dụng trên đất bạc màu như:
– Công thức 2 vụ: gồm 1 vụ lúa, 1 vụ rau màu như ngô khoai, lạc, đậu đỗ trồng xen với rau
– Công thức 3 vụ: gồm 1 vụ lúa, 1 vụ rau màu hè thu và 1 vụ rau đông xuân
– Trồng xen canh cây trồng chính với các loại cây họ đậu. (như lạc, đậu tương, đậu xanh, đậu trạch…) Chúng có khả năng cố định đạm, giúp cải tạo độ phì nhiêu của đất rất tốt.
Cải tạo đất trồng là việc cấp bách, vì không thể cải tạo trong ngày một ngày hai nên bà con cần đặc biệt chú ý canh tác, làm đất, tưới tiêu, che phủ mặt đất theo đúng quy trình. Đặc biệt là bổ sung được đầy đủ lượng phân hữu cơ cho đất. Chúc bà con thành công !