Thanh long hiện là một trong những cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Việc chăm sóc cây thanh long được trồng tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An và rải rác ở một số tỉnh khác. Cây thanh long dễ trồng nhưng đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc đúng cách để có thể cho năng suất và chất lượng tốt. Trong những năm gần đây, trên cây thanh long xuất hiện khá nhiều các bệnh gây hại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất và năng suất của mùa vụ, gây thiệt hại về kinh tế của bà con. Sau đây bà con cùng tìm hiểu thêm về các bệnh thường gặp trên cây thanh long để từ đó có những biện pháp giải quyết bệnh và quản lý vườn thanh long hiệu quả hơn.
BỆNH THỐI NGỌN, THỐI ĐẦU CÀNH.
Bệnh thối ngọn, thối đầu cành do nấm Alternaria sp. gây ra. Bệnh thường xuất hiện quanh năm, nhất là ở điều kiện nóng ẩm như vào đầu mùa mưa. Cây thanh long khi bị bệnh thường chậm phát triển, giảm hẳn số cành. Các cành nhánh bị bệnh thường có những vết bệnh sũng nước, cành chuyển màu vàng nâu, mềm rồi thối nhũn, vết bệnh thường xuất hiện từ ngọn xuống. Bệnh nặng có thể khiến cả trụ thanh long bị chết.
BỆNH ĐỐM NÂU.
Bệnh phát triển mạnh ở điều kiện độ ẩm cao, buổi sáng có sương mù. Bệnh đốm nâu trên thân và cành có vết bệnh là những đốm tròn màu nâu, giống như mắt cua. Vết bệnh rải rác hoặc tập trung dọc theo thân cành. Bệnh phát triển mạnh khi gặp điều kiện thuận lợi, các vết bệnh liên kết với nhau làm cho cành sần sùi, gây thối từng mảng, cành kém phát triển. Bệnh trên trái làm cho trái non bị rụng, vỏ trái sần sùi, nám cả trái làm giảm giá trị.
BỆNH NÁM CÀNH.
Bệnh nám cành thường xuất hiện vào mùa nắng, khi thời tiết thất thường và ở các vườn được chăm sóc kém, vườn vừa thu hoạch. Các vết bệnh xuất hiện ở thân cành như là những vết đốm, vết biến màu và trên đó mọc lên lớp nấm màu xám tro. Bệnh phát triển mạnh trên thân cành gây hại nghiêm trọng, làm cành kém phát triển hoa và trái non bị rụng, ảnh hưởng lớn đến năng suất cây thanh long.
BỆNH THÁN THƯ.
Bệnh thán thư phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm không khí cao, mưa nhiều ẩm ướt. Khi cây ra cành non nhiều hoặc khi cây đang ra hoa mà có mưa hoặc sương nhiều cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển mạnh thêm. Bệnh gây hại nghiêm trọng ở tất cả các giai đoạn ra hoa, sắp thu hoạch và sau khi thu hoạch.
Trên cành có vết bệnh bắt đầu từ phần ngọn hay mép cành lan vào trong, vết thối mềm, có dạng tròn hay bất định, tâm màu nâu đỏ, lõm xuống đặc trưng bởi những vòng tròn đồng tâm màu nâu. Bệnh xuất hiện cả trên nụ hoa, nấm tạo thành những đốm đen nhỏ làm hoa bị biến màu nâu đen rồi rụng. Bệnh thán thư trên trái là những vết bệnh đốm nhỏ sau đó lớn dần và chuyển sang màu nâu sậm, vết bệnh phát triển nhanh thành những mảng thối lõm vào trong vỏ trái.
Nấm bệnh gây ra bệnh thán thư tồn tại trong nguồn xác bã thực vật hoặc trong các cành trái bị bệnh trong vườn, mầm bệnh lây lan chủ yếu trong gió, trong nước và do con người trong quá trình chăm sóc.
BỆNH NẤM BỒ HÓNG.
Bệnh nấm bồ hóng thường phát triển chủ yếu vào mùa nắng. Nấm bệnh phát triển thành một lớp mụi đen trên thân cành, làm cho cây giảm khả năng quang hợp, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Bệnh nấm bồ hóng thường tấn công trên nụ hoa, trái non làm rụng hoa, rụng trái non, bệnh làm mất màu ngay tại vết bệnh trên vỏ trái, bệnh nặng làm vỏ trái xù xì, ảnh hưởng tới mẫu mã.
Nấm bệnh tồn tại trên cành, trái bị nhiễm bệnh và lây lan nhờ gió, nước hay côn trùng.
BỆNH THỐI NHŨN.
Bệnh thối nhũn do vi khuẩn gây ra thường xuất hiện ở những cành nhánh trưởng thành, vết bệnh thường chuyển từ màu xanh dần sang màu vàng, mọng nước và thối rữa, vết bệnh có mùi hôi khó chịu. Vết bệnh tiếp tục phát triển, gây hư hại toàn bộ cành, chỉ còn phần lõi sau đó cũng mục gãy. Bệnh thối nhũn phát triển mạnh ở điều kiện mưa nhiều và độ ẩm cao. Khi cây bị bệnh thối nhũn sẽ bị ảnh hưởng đến năng suất, khi cây bị nặng sẽ cho rất ít trái, trái không đạt chất lượng làm giảm sút năng suất nghiêm trọng.
Trên đây là những bệnh thường gặp trên cây thanh long, bà con cần chú ý thăm vườn thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh khi bệnh mới xuất hiện để có biện pháp điều trị thích hợp đối với từng bệnh. Bà con nên chú trọng đến công tác phòng ngừa và quản lý bệnh hại để hạn chế sự tấn công của bệnh hại.
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA VÀ QUẢN LÝ BỆNH TRÊN CÂY THANH LONG
Sử dụng nguồn giống sạch bệnh, có khả năng kháng bệnh tốt.
Trồng thanh long với mật độ vừa phải để vườn có độ thông thoáng, thường xuyên dọn sạch cỏ dại, không để vườn quá rậm rạp để hạn chế nơi trú ngụ của mầm bệnh.
Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh để tăng khả năng chống chịu bệnh của cây, tăng độ phì nhiêu của đất, tăng cường hoạt động của hệ vi sinh vật hữu ích.
Bón phân hợp lý, cân đối giữa các loại phân bón vô cơ.
Khi bệnh xuất hiện, cần xử lý thu gom tiêu hủy, tránh lây lan khắp vườn.