Đăng bởi Để lại phản hồi

Cam hữu cơ Hàm Yên hiệu quả kinh tế cao

Qua hơn 1 năm triển khai mô hình trồng cam hữu cơ chuyển đổi, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã có thu nhập cao.

Anh Nguyễn Khắc Điệp, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên thực hiện nghiêm các quy trình sản xuất cam hữu cơ

Tháng ba, cam Hàm Yên đã vào cuối vụ thu hoạch. Nếu cam của những hộ trồng thông thường có giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg thì những hộ trồng cam hữu cơ giá từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg.

Tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên có 3 hộ tham gia mô hình trồng cam hữu cơ chuyển đổi với tổng diện tích 7 ha. Đến đây chúng tôi nhận thấy sự khác biệt lớn nhất so với mô hình trồng cam thông thường đó là sự hoang sơ, dân dã, gần với thiên nhiên, với đất trời. Cam trồng theo phương pháp này tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kích thích sinh trưởng, thuốc trừ cỏ.

Gia đình chị Lê Thị Chuyên, tổ dân phố Đồng Bàng tham gia mô hình trồng cam hữu cơ từ cuối năm 2017, với diện tích 4,5 ha. Trồng cam hữu cơ, các quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh đều có sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ và thành viên tổ cam hữu cơ.

Trước đây đến vụ bón phân chị chỉ cần mang lên đồi bón là xong, cây bị sâu bệnh thì phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ. Nhưng trồng cam hữu cơ quy trình hoàn toàn khác, phân bón được ngâm, ủ từ đỗ tương, cá, quả chuối, thuốc trừ sâu là sử dụng hỗn hợp các loại củ quả từ tự nhiên, làm cỏ bằng phương pháp thủ công.

Chị Chuyên cho biết, so với trồng cam thông thường, chi phí và công bỏ ra nhiều hơn. Tuy nhiên khi sản xuất sạch, sản phẩm bán ra thị trường mình thấy lương tâm mình cũng “sạch”. Đặc biệt khi bán giá cao hơn cam thông thường từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg nên cũng bõ công sức bỏ ra. Trong 4,5 ha đã có 3 ha cam đã được thu, tổng sản lượng đạt 20 tấn, trừ chi phí vụ năm nay gia đình chị thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Sản phẩm cam hữu cơ chuyển đổi được bày bán tại hội chợ Cam sành Hàm Yên năm 2019

Gia đình anh Hoàng Đức Hùng, thôn 3, xã Tân Thành trồng 3 ha cam hữu cơ chuyển đổi. Anh Hùng chăm chút cho cỏ mọc tự nhiên để tạo ra một khu vườn sinh thái gần gũi tự nhiên, để chính những cây cỏ này giữ ẩm cho đất, rồi lại trở thành chất bón hữu cơ. Như thế, anh vừa không phải mất chi phí nhân công làm cỏ, vừa không phải tốn chi phí thuốc diệt cỏ. 

Mấy năm trở lại đây, do sự phát triển ồ ạt nên quả cam bị rớt giá, tiêu thụ khó khăn. Nhưng những người trồng cam hữu cơ như gia đình anh vẫn yên tâm về đầu ra cũng như giá. Vụ năm nay, trừ chi phí 3 ha cam của gia đình anh cho thu lãi hơn 200 triệu đồng. Tham gia mô hình trồng cam hữu cơ ngoài tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất sạch anh cũng học được cách liên kết trong sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 9 hộ dân tham gia trồng cam theo mô hình nông nghiệp hữu cơ với diện tích 17 ha, tập trung tại thị trấn Tân Yên và xã Tân Thành, huyện Hàm Yên. Các hộ này được chia thành 3 nhóm sản xuất gồm: Cam sành, cam V2, cam Vinh và cam canh, mỗi năm cho thu tổng sản lượng khoảng 80 tấn.

Bà Trần Thị Lịch, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, khuyến khích các hộ dân sản xuất nông nghiệp sạch và nâng cao thương hiệu cam Hàm Yên trên thị trường, các ngành chức năng của tỉnh đã hỗ trợ 190.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các hộ gia đình; tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp để tiêu thụ cam cho người nông dân.

“Tỉnh cũng đã mở 6 lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây có múi cho 194 học viên tham gia. Qua đó, giúp người nông dân nắm chắc hơn quy trình sản xuất nông nghiệp tốt cũng như tiếp cận, cập nhật kịp thời về thông tin sản xuất quảng bá, giới tiêu và tiêu thu sản phẩm”, bà Lịch chia sẻ.

Cam hữu cơ chuyển đổi có giá cao hơn từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg so với cam trồng thông thường

Với nỗ lực của người dân và sự chung sức của các đơn vị liên quan, đến nay, sản phẩm cam hữu cơ chuyển đổi của Hàm Yên đã dẫn khẳng định được thương hiệu và có mặt tại những siêu thị như: Bác Tôm, Tâm Đạt, An Nguyên ở Hà Nội; Ba Lành ở thành phố Hồ Chí Minh. Vụ cam 2018-2019, tổng sản lượng cam hữu cơ chuyển đổi của huyện đạt khoảng 81 tấn.

Theo NNVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.