Đăng bởi Để lại phản hồi

Phòng Chống Bệnh Thán Thư Trên cây Nho

Cây nho thuộc loại cây khó trồng, rất nhạy cảm với thời tiết, đặc biệt dễ bị bệnh thán thư vào mùa mưa. Rủi ro mất mùa trên cây nho rất cao, cho dù trái nho gần đến thời điểm thu hoạch vẫn có thể bị mất trắng nếu gặp phải mưa to và kéo dài. Mấy năm gần đây do thời tiết mưa nhiều nên bệnh thán thư trên nho phát triển mạnh, gây thiệt hại nặng cho người trồng nho vào mùa mưa. Theo kinh nghiệm của Đài Loan, từ khi bao trái chịu mưa được nông dân Đài Loan sử dụng đã hạn chế được 90% bệnh thán thư trên cây nho.

phong-chong-benh-than-thu-tren-cay-nho (1)

Từ đó, nhằm hạn chế thiệt hại cho nông dân trồng nho, trong Dự án sản xuất thử nho an toàn theo hướng hữu cơ sinh học của Trung tâm Chuyển giao Tiến bộ kỹ thuật Nông nghiệp (Viện KHKT Nông nghiệp MN) tại tỉnh Ninh Thuận, KS.Nguyễn Thanh Thủy, Chủ nhiệm Dự án đã mạnh dạn xin nhập miễn thuế 600.000 cái bao để thử nghiệm. Đây là loại bao được làm bằng giấy mỏng nhưng không thấm nước, hiện nay ở Việt Nam chưa sản xuất được.

Tại các điểm thử nghiệm bao trái đều cho kết quả cao. Chùm nho được bao trái có màu sắc và mẫu mã trái rất đẹp. Đặc biệt trái không bị bệnh thán thư cũng như các bệnh khác và rầy rệp trên trái. ông Lê Phúc, chủ nhiệm HTX Ninh Phú (TX Phan Rang) sau khi áp dụng bao trái trên nho đã có một số nhận xét: trái nho không bị rám nắng, giữ được màu xanh đặc trưng, chùm nho được bao có thể “neo” đến 4 tháng rưỡi vẫn không hư, độ brix cao hơn nhiều so với chùm trái không bao, nông dân không phải lo lắng thu hoạch vội khi chưa đủ độ chín mà sẵn sàng yên tâm đợi đúng ngày mới thu hoạch.

phong-chong-benh-than-thu-tren-cay-nho (2)

Mưa dầm chùm nho được bao vẫn phát triển tốt, bệnh không lây lan. Ông nguyễn Văn Mọi (Ba Mọi) ở xã Phước Thuận huyện Ninh Phước, là một trong số những nông dân áp dụng đầu tiên bao trái trên nho cũng có nhận xét tương tự. Trong đợt mưa do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, ở vườn của ông, những chùm nho bao trái cho kết quả tốt trong khi những chùm nho đối chứng không bao trái đã bị thất thu do thán thư. Hiện nay nhiều nông dân trồng nho ở Ninh Thuận đã bắt đầu chú ý tới việc sử dụng bao trái này cho nho.

KS.Nguyễn Thanh Thủy cho biết loại bao trái chịu mưa này không những cho kết quả tốt trên nho mà còn có thể ứng dụng cho nhiều loại trái cây khác để hạn chế sâu bệnh, nhất là bệnh trong mùa mưa, hạn chế sử dụng thuốc BVTV và tăng thêm chất lượng trái cây. Trước mắt Nhà nước cần có chính sách miễn thuế nhập khẩu (30%) cho loại bao trái này để khuyến khích nông dân trồng cây ăn trái sử dụng rộng rãi. Một công ty Đài Loan cho biết, nếu nông dân Việt Nam sử dụng nhiều, họ sẽ đầu tư một phân xưởng sản xuất loại bao trái này tại Việt Nam.

Đăng bởi Để lại phản hồi

Kỷ thuật xử lý Bệnh Nấm Cuống Hại Nho

Hiện nay, bệnh nấm cuống nho đang phát sinh gây hại phổ biến trên vùng nho Ninh Thuận. Nhiều vườn nho bị hư hại nặng, thiệt hại lớn đến năng suất.

ky-thuat-xu-ly-benh-nam-cuong-hai-nho (3)
Các nhà khoa học đang xuống hiện trường kiểm tra vườn nho

1. Nhận dạng:

Bệnh nấm cuống hay còn gọi là bệnh thối cuống trên trái nho đúng như tên gọi. Bệnh này chủ yếu gây hại trên cuống trái, từ khi bắt đầu ra hoa đến khi trái lớn và chín. Bệnh hầu như không gây hại trên lá và trái như các bệnh sương mai, phấn trắng. Quan sát trên cuống chùm hoa hoặc cuống chùm trái sẽ thấy những vết màu nâu, lúc đầu hơi ướt, về sau làm khô teo một đoạn cuống, gây tắc mạch dẫn nước và dinh dưỡng. Tuỳ theo vết bệnh xuất hiện ở cuống lớn hay cuống nhánh, cuống nhỏ mà làm héo từng phần hay toàn bộ chùm hoa, chùm trái, làm giảm năng suất đáng kể. Ngoài ra, nấm bệnh còn tiếp tục phá hại cuống trái nho trong quá trình bảo quản và vận chuyển làm rụng và thối trái.

2. Tác nhân gây bệnh:

Bệnh này do một loại nấm  có tên khoa học là Diplodia gây ra. Nấm này cũng là tác nhân gây bệnh khô đọt và thối cuống trái xoài rất phổ biến. Nấm tồn tại chủ yếu trên tàn dư cây bệnh vụ trước.
ky-thuat-xu-ly-benh-nam-cuong-hai-nho (2)
Nông dân đang kiểm tra tình trạng vườn nho

3. Điều kiện nấm phát sinh, phát triển:

a. Thời tiết khí hậu ở vùng trồng nho Ninh Thuận nói chung quanh năm đều thích hợp cho nấm cuống phát sinh. Tuy vậy bệnh thường phát sinh nhiều trong các tháng mùa mưa, ẩm độ không khí cao hoặc vào những ngày có sương mù nhiều. Do nấm bệnh gây hại trên cuống trái nên trong suốt quá trình từ  khi cây nho ra hoa đến khi trái chín đều có thể gặp.
b. Giống: Theo một số kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế  của bà con nông dân trồng nho ở Ninh Thuận trong các giống nho trồng phổ biến hiện nay có giống Nho xanh NH-01-48 và giống Nho đỏ Cardinal bị nhiễm bệnh tương đối nặng, các giống Black Queen, giống nho tím truyền thống có biểu hiện ít bị nhiễm hơn.
c. Giàn nho: Ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển của bệnh là điều kiện khí hậu trong vườn nho. Ở Ninh Thuận bà con thường làm giàn nho theo kiểu mái nhà, kiểu này cho năng suất cao nhưng làm cho vườn kém thông thoáng, ít ánh nắng và ẩm độ cao, là những điều kiện rất thích hợp cho nấm bệnh phát triển. Lá nho rơi rụng nhiều trong vườn cũng là nguồn tồn tại và lan truyền nấm bệnh quan trọng. Ngoài ra mật độ trồng và cách bón phân không thích hợp làm cho vườn nho quá um tùm rậm rạp cũng làm cho bệnh nặng thêm. Đây là những vấn đề cần chú ý để áp dụng trong việc phòng trừ bệnh.
ky-thuat-xu-ly-benh-nam-cuong-hai-nho (1)
vườn nho chín đều khi sử dụng chế phẩm sinh học (ảnh minh hoạ)

4. Biện pháp phòng trừ :

a. Trồng giống nho có năng suất và chất lượng cao nhưng cũng phải có khả năng kháng bệnh.
b. Bón phân, tỉa cành tạo tán và vệ sinh vườn thông thoáng  để hạn chế nguồn nấm bệnh trên thực vật tồn dư có thể lây nhiễm trở lại trên cây.
c. Khi cây nho bắt đầu nhú hoa cho đến khi trái lớn nên phun thuốc phòng  trừ  nấm 2-3 lần/vụ. Các loại thuốc trừ nấm bệnh có hiệu quả cao với nấm bệnh này là : Thio-M 70WP, Thio-M 500SC, Saizol 5SC, Copforce Blue 51WP, Bendazol 50WP. Sử dụng luân phiên các loại trên theo hướng dẫn trên bao bì.
d. Các loại thuốc này ít độc hại với người, song khi phun thuốc cũng cần áp dụng các biện pháp an toàn và đảm bảo thời gian cách ly theo hướng dẫn để không ảnh hưởng đến người tiêu dùng.