Các đơn vị được cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông qua vui mừng vì có thể đưa quả sầu riêng vào thị trường tỷ dân.
Kiểm tra rất kỹ
Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa thông báo cấp 76 mã vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 51 mã số vùng trồng, trong đó Đắk Lắk là đơn vị được cấp nhiều nhất với 23 mã. Đối với các cơ sở đóng gói, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng cấp 25 mã, trong đó Tiền Giang nhiều nhất với 10 mã.
Khi công bố danh sách các đơn vị được phía Trung Quốc cấp mã, các doanh nghiệp phấn khởi vì quả sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia tỷ dân sau thời gian dài chuẩn bị.
Ông Lê Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nông sản Thiện Tâm (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) vui mừng cho biết, sau thời gian dài chuẩn bị và kiểm tra đơn vị đã được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc.
Theo ông Tâm, Trung Quốc hiện nay là thị trường rất khó tính nên việc cấp mã số xuất khẩu họ làm rất kỹ. Để được kiểm tra đơn vị đã thiết lập các hồ sơ cấp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói cho phía Trung Quốc thông qua.
Vị giám đốc cho biết thêm, việc cấp mã là một trong những bước để được xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Để được cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói đơn vị đã chuẩn bị mọi thứ từ cơ sở hạ tầng, vườn trồng… trong nhiều tháng nay.
Hiện nay, công ty đang triển khai mở rộng mã vùng trồng cho một số địa phương của tỉnh Đắk Lắk như huyện Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắk… Công ty phấn đấu đạt từ 6.000 đến 7.000 ha sầu riêng đủ tiêu chuẩn làm mã cơ sở đóng gói để bảo đảm các điều kiện xuất khẩu đi Trung Quốc.
“Doanh nghiệp hy vọng việc cấp mã sẽ kịp với mùa vụ sầu riêng của Đắk Lắk để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong đợt này”, ông Tâm nói.
Còn ông Nguyễn Đình Kiên, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nông sản CHH Việt Nam (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) cho biết, doanh nghiệp được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp một mã đóng gói.
“Kế hoạch giữa công ty và đối tác phía Trung Quốc đã sẵn sàng mọi thủ tục. Bây giờ công ty chỉ chờ giữa Việt Nam và Trung Quốc thống nhất lại lần cuối để cấp mã số cho các chuyến hàng để xuất khẩu. Nếu được cấp mã số các chuyến hàng thì phía công ty sẽ tiến hành xuất khẩu luôn”, ông Kiên thông tin.
Theo ông Kiên, việc xuất khẩu sầu riêng là kỳ vọng cũng như ước mơ của người nông dân và cơ quan chức năng nhiều năm nay. Bây giờ, phía Trung Quốc đã có thông tin chính thức thì đây là việc tốt và mở cho ngành sầu riêng của Việt Nam. Khi xuất khẩu chính ngạch, người nông dân sẽ được hưởng lợi đầu tiên vì giá cả tăng. Còn việc tăng bao nhiêu thì phụ thuộc vào thị trường và mùa vụ giữa 2 bên.
“Việc xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp sầu riêng Việt Nam cạnh tranh với các quốc gia khác và đặc biệt là nâng cao vị thế của chúng ta. Ngoài ra, xuất khẩu chính ngạch sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn cho người dân, doanh nghiệp”, ông Kiên chia sẻ.
Thất vọng nhưng sẽ chuẩn bị tốt cho đợt cấp mã tới
Ngoài các đơn vị được cấp mã vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói thì nhiều trường hợp khác dù đề xuất nhưng không được phía Trung Quốc thông qua. Việc không được cấp mã gây nhiều thất vọng nhưng các đơn vị này cho biết sẽ chuẩn bị kỹ cho đợt kiểm tra trong thời gian tới.
Ông Phạm Đức Cảnh, HTX Tâm Hồng Phúc (Đăk Nông) cho biết, HTX có 15,5ha sầu riêng làm hồ sơ đề xuất cấp mã vùng trồng trong đợt vừa qua.
Theo ông Cảnh, HTX thiết lập hồ sơ, chuẩn bị các yêu cầu phía Trung Quốc đưa ra. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sau khi đánh giá trực truyến đã không thông qua, cấp mã số cho đơn vị.
“Khi thiết lập hồ sơ, phía Trung Quốc đã tổ chức kiểm tra trực tuyến, trao đổi các thủ tục. Nhưng đến nay HTX vẫn chưa nhận được thông báo vì sao không đạt. Lâu nay HTX đã tổ chức sản xuất theo quy trình để phía Trung Quốc cấp mã vùng trồng nhằm nâng cao giá bán.
Tuy nhiên, HTX không được cấp mã vùng trồng trong đợt này thì sẽ chuẩn bị tốt cho đợt tới. Đợt đầu phía Trung Quốc đánh giá khắt khe và chọn những đơn vị có quy mô lớn. Đợt sau thì không rõ như thế nào nhưng đơn vị sẽ cố gắng”, ông Cảnh nói và cho biết HTX chưa nắm được thông báo đơn vị thiếu hay yếu những gì mà chưa đạt.
Theo ông Cảnh, nếu HTX nắm được thông tin không đạt ở khâu nào thì trong đợt cấp mã tới HTX sẽ chuẩn bị tốt hơn. Đặc biệt, HTX đã trải qua một lần đánh giá nên có kinh nghiệm trong việc thiết lập hồ sơ.
Tương tự, ông Bùi Phú Tôn, chủ hộ Bùi Phú Tôn (xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông) cũng xây dựng hồ sơ đăng ký cấp mã vùng trồng cho 30ha của gia đình. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã không cấp mã vùng trồng cho gia đình ông Tôn trong đợt vừa qua.
Ông Bùi Phú Tôn cho biết, việc không được cấp mã lần này gia đình cũng hơi thất vọng. “Mình kinh doanh mà không xuất khẩu được trong đợt này thì mất cơ hội. Tuy nhiên đợt này không đạt thì sẽ tiếp tục chuẩn bị hồ sơ cho đợt cấp mã tới. Với kinh nghiệm trong đợt kiểm tra vừa qua, tôi hy vọng sẽ được phía Trung Quốc cấp mã”, ông Tôn nói.
Theo ông Tôn để được phía Trung Quốc kiểm tra, gia đình đã chuẩn bị 3-4 tháng từ khâu thiết lập hồ sơ, vùng trồng. Khi kiểm tra trực tuyến, phía Trung Quốc cũng không thông báo là gia đình thiếu hay không đạt gì.
“Làm ăn kinh doanh nếu không được đợt này thì sẽ làm tiếp đợt sau. Ai cũng muốn được cấp mã để xuất khẩu nhưng không được thì đành chấp nhận”, ông Tôn nói.
Ông Lê Văn Thành, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk) cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 23 mã vùng trồng và 4 mã cơ sở đóng gói cho các đơn vị trên địa bàn. Theo ông Thành, Đắk Lắk là địa phương được cấp mã số vùng trồng nhiều nhất cả nước trong đợt này.
Sau khi nắm thông tin, Sở NN-PTNT đã họp để có văn bản đề xuất Bộ NN-PTNT cho Đắk Lắk là đơn vị xuất khẩu đầu tiên sầu riêng bằng được chính ngạch sang Trung Quốc.
“Đắk Lắk đề xuất nhưng phải đợi Bộ NN-PTNT đồng ý thì khi đó địa phương mới xây dựng kế hoạch. Trong thời gian chờ bộ phê duyệt, Chi cục và Sở đã chủ động làm việc với huyện Krông Pắc để thống nhất một số nội dung. Trong những ngày tới, huyện Krông Pắc, Chi cục sẽ họp với 4 doanh nghiệp được cấp mã để thống nhất các nội dung, chọn đơn vị xuất khẩu đầu tiên”, ông Thành thông tin.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam