Đăng bởi Để lại phản hồi

Áp dụng hiệu quả nấm Trichoderma trong canh tác hữu cơ

1. Nấm đối kháng Trichoderma là gì?

Nấm đối kháng Trichoderma là một loại nấm có khả năng kiểm soát các loại nấm gây bệnh khác như các loại nấm gây thối rễ: Pythium, Rhizoctonia và Fusarium. Trichoderma vừa có khả năng phân hủy cellulose vừa có khả năng đối kháng lại các loài nấm gây bệnh ở thực vật nên việc dùng Trichoderma trong phân bón là lựa chọn tốt vừa bảo vệ được cây trồng, tăng thêm thu nhập, giảm chi phí đầu tư và bảo vệ môi trường.

2. Tác động đối với các tác nhân gây bệnh

Nấm Trichoderma tiết ra một loại enzym có khả năng làm tan vách tế bào của các loại nấm khác. Sau đó nó có thể tấn công vào bên trong loài nấm gây hại biến chúng thành thức ăn và tạo nên những chất hữu cơ có lợi. Sự kết hợp này cho phép nó bảo vệ vùng rễ của cây trồng chống lại các loài nấm gây thối rễ. Nó còn giúp tái tạo phục hồi các rễ bị tổn thương do tuyến trùng hoặc rệp sáp gây ra.

Nấm Trichoderma còn tạo ra chất có hoạt tính tương tự như “thuốc kháng sinh”, có tác dụng kìm hãm sự tăng trưởng của các tác nhân gây bệnh đồng thời nó còn như một loài “ký sinh” giết chết các loài gây bệnh. Nấm Trichoderma sinh sản vô tính theo cấp số nhân, sinh trưởng mạnh mẽ với nhiệt độ từ 25-30 độ C, tồn tại trong môi trường thuận lợi khoảng 18 tháng. Có thể bị hủy diệt dưới ánh nắng kéo dài trong 2 giờ với nhiệt độ cao và trời mưa nhiều ngày.

3. Tác động của nấm Trichoderma đối với cây trồng

Nấm Trichoderma bám vào những vùng rễ cây như những sinh vật cộng sinh khác, sự đeo bám này mang lại lợi ích cho cả cây trồng lẫn Trichoderma. Nó tiết ra đất những chất kích thích để rễ cây ăn sâu xuống lòng đất, làm cho rễ cây khỏe hơn và tăng khả năng hút dinh dưỡng, tăng khả năng phòng vệ, tạo thành một lớp măng-xông bảo vệ vùng rễ cây tránh sự xâm nhập của mầm bệnh.

Cây giảm khả năng nhiễm bệnh nhờ nấm Trichoderma bám vào các đầu rễ cây, tăng khả năng ra hoa, thụ phấn, tăng trọng lượng quả và chiều cao của cây, làm tăng năng suất cây trồng…

4. Áp dụng hiệu quả nấm Trichoderma trong canh tác hữu cơ

Các chế phẩm nấm Trichoderma được sản xuất và sử dụng như là chất kiểm soát sinh học một cách có hiệu quả. Hình thức sử dụng dưới dạng chế phẩm riêng biệt hoặc phối trộn vào phân hữu cơ để bón cho cây trồng vừa cung cấp dinh dưỡng cho cây vừa tăng khả năng kháng bệnh của cây. 

4.1 Cung cấp hệ vi sinh vật đất trong canh tác hữu cơ

Sử dụng chế phẩm nấm Trichoderma ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng sẽ giúp tăng cường hệ vi sinh vật có ích trong đất. Nhờ có hoạt động ủ phân cung cấp chất dinh dưỡng cho nấm phát triển, tăng mật độ nấm Trichoderma lên.

Khi bón phân đã ủ Trichoderma sẽ cung cấp một lượng lớn vi sinh vật có lợi cho đất, từ đó làm cho môi trường đất khỏe mạnh. Sự góp mặt của một lượng lớn vi sinh vật trong đất làm cho cấu trúc đất ngày càng thông thoáng, các chất dinh dưỡng trong đất dễ dàng được vận chuyển đến cây trồng.

4.2 Phân giải nhanh các chất hữu cơ thành dạng dễ tiêu, cung cấp dinh dưỡng cho cây

Bằng cách tiết ra các loại enzym phân giải, Trichoderma giúp phân giải cellulose chuyển hóa thành dạng dễ tiêu. Từ đó, cây trồng hấp thu dinh dưỡng một cách dễ dàng.

Chính vì lợi ích này của nấm Trichoderma, người ta sử dụng nấm này để ủ phân bón hữu cơ, khiến cho quá trình phân giải các chất hữu cơ diễn ra nhanh hơn. Góp phần xây dựng hoạt động canh tác nông nghiệp hữu cơ nhờ vi sinh vật trong quá trình tạo ra phân bón cung cấp cho cây trồng.

4.3 Phòng một số nấm bệnh gây hại cho cây trồng

Nấm Trichoderma có khả năng tiêu diệt các loại nấm khác, sự tăng mật độ của loài nấm này giúp át chế sự phát triển của các loại nấm gây hại đặc biệt là các loại nấm phá hoại vùng rễ. Phòng ngừa sự tấn công của các loại nấm hại đến với hệ rễ cây trồng.

Một số loài Trichoderma lại có khả năng ký sinh trên các loài nấm gây bệnh cho cây trồng, làm hạn chế tác động của chúng đối với rễ cây. 

Trichoderma vừa có khả năng phân hủy cellulose vừa có khả năng đối kháng lại các loài nấm gây bệnh ở thực vật nên việc dùng Trichoderma trong canh tác là lựa chọn tốt, vừa bảo vệ được cây trồng, tăng thêm thu nhập, giảm chi phí đầu tư và bảo vệ môi trường. Điều này có ý nghĩa lớn trong canh tác hữu cơ, góp phần trong bảo vệ cây trồng cũng như môi trường đất và hoạt động trong đất.