Ðất sẽ có phản ứng chua khi trong đất có chứa nhiều cation H+ và Al3+, mức độ chua đất phụ thuộc vào nồng độ của chúng. Nồng độ các cation này trong đất càng cao thì đất càng chua. Cation H+ và Al3+ có thể được hình thành tự nhiên do quá trình phong hoá đá mẹ, quá trình hình thành và phát triển của đất hoặc do tác động của hoạt động bón phân.
Có 3 yếu tố chính chi phối, tác động dẫn đến chua đất:
Yếu tố khí hậu
Các đặc trưng của khí hậu như nhiệt độ, ẩm độ, đặc biệt là lượng mưa ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phong hóa đá, sự chuyển hóa và di chuyển vật chất. Sự di chuyển vật chất này kéo theo một loạt các chất dễ tan có trong đất, đặc biệt là các ion kim loại kiềm và kiềm thổ như Na+, K+, Mg2+, Ca2+ làm cho đất hóa chua.
Yếu tố sinh vật
Trong quá trình hoạt động, vi sinh vật, rễ cây cũng như các loài sinh vật khác trong đất không ngừng giải phóng ra CO2, khí này hòa tan trong nước tạo thành axit H2CO3. Tuy độ phân ly của axit này không cao nhưng nó là cũng là một trong những nguồn sinh H+ chủ yếu trong đất.
Mặt khác, trong quá trình vi sinh vật phân giải chất hữu cơ (đặc biệt trong điều kiện yếm khí) sẽ sinh ra nhiều axit hữu cơ làm đất bị hóa chua.
Bởi vậy đất quanh năm ngập nước, đất lầy thụt và phần lớn đất than bùn đều bị chua. Ðặc biệt, nếu tàn tích sinh vật chứa nhiều lưu huỳnh (S) như xác các cây sú, vẹt, đước khi bị phân hủy trong điều kiện yếm khí, trải qua một quá trình biến đổi phức tạp sẽ sinh ra H2S. Khi có điều kiện oxy hóa, H2S chuyển thành H2SO4 làm đất rất chua.
Yếu tố con người
Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây trồng đã hút một lượng lớn các chất kiềm trong đất như Na+, K+, Ca2+, Mg2+,… để hình thành thân, cành, lá,…
Ðối với thực vật tự nhiên thì lượng các chất kiềm này sẽ được trả lại cho đất trong các dạng xác thực vật. Nhưng với đất canh tác thì một lượng lớn các chất kiềm bị lấy đi không hoàn lại cho đất dưới dạng các sản phẩm nông nghiệp. Ðây là một nguyên nhân làm giảm các chất kiềm trong đất canh tác và làm đất dần bị hóa chua.
Do thành phần hóa học, đa số phân bón hiện nay sẽ dần dần làm cho đất hóa chua. Khi bón những loại phân như (NH4)2SO4, NH4Cl, KCl vào đất các cation NH4 + , K+ sẽ được keo đất và cây trồng hấp thụ để lại gốc SO4 2- và Cl- . Các gốc axit này sẽ tạo HCl và H2SO4 làm cho đất bị chua.
Những phân có thể làm đất bị hóa chua bằng cơ chế này được gọi chung là các phân chua sinh lý. Một số loại phân như super lân trong thành phần thường chứa một lượng nhất định axit dư nên khi bón nhiều vào đất cũng có thể làm cao thêm.
Ðối với những vùng đất có thành phần cơ giới nhẹ thì vấn đề tưới nước dư thừa cũng là một trong những nguyên nhân làm đất bị rửa trôi các kim loại kiềm và kiềm thổ và dần dần hóa chua.
(Tài liệu của Khoa Môi trường – ĐH Tự nhiên)
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN CẢI TẠO ĐẤT MIỄN PHÍ