Hiện nay, giá chanh dây đang tăng cao giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, tuy nhiên lại khan hiếm nguồn cung. Chỉ tiếc là thời tiết không thuận lợi cùng với bà con thường gặp các vấn đề về trồng và chăm sóc nên vườn cây ít quả, lợi nhuận mang lại không như ý muốn. Đang là mùa khô nên sản lượng chanh dây không có nhiều dẫn đến tăng giá. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khuyến khích người dân trồng chanh dây để mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Cây chanh dây là loại giống cây dễ trồng có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, trồng chanh dây nếu không biết kỹ thuật trồng, chăm sóc và ngừa sâu, bệnh thì sẽ có nhiều rủi ro tiềm ẩn. Dẫn đến thất bại, phá sản, thiệt hại kinh tế nặng nề. Vì vậy bà con nông dân có ý định trồng chanh dây hoặc đang trồng cần phải lưu ý những vấn đề như: chọn đúng giống, trồng đúng kỹ thuật, phát hiện sâu, bệnh kịp thời,…
1. Điều kiện sống phù hợp
Chanh dây là loại cây thân leo, phát triển tốt nhất trong điều kiện thời tiết nhiệt độ 16-300C.
Là loại cây trồng không kén đất, nhưng tốt nhất nên chọn đất trồng thoát nước tốt, không ngập úng, pH đất từ 5,5 – 6.
Cây chanh dây cần độ ẩm cao vì vậy cần cung cấp đủ nước, đặc biệt trong mùa khô. Khi được cung cấp đủ nước cây đâm chồi, nở hoa và cho trái liên tục.
Cây chanh dây không chịu được thời tiết sương muối.
2. Chọn giống cây chanh dây
Hiện nay tại chủ yếu sử dụng giống quả tím, vì khả năng tự thụ phấn cao, ít biến dị, có thể nhân giống bằng hạt. Giống phải sạch bệnh, cây giống có đỉnh sinh trưởng (ngọn) mập khỏe, bộ rễ rậm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
3. Chuẩn bị đất trồng
Trước khi trồng cần xử lí, sát khuẩn đất vườn để tiêu diệt các loại nấm bệnh trong đất, tạo môi trường sống sạch bệnh cho cây chanh dây.
Chuẩn bị hố trồng: Rộng 80cm x Sâu 30cm
Trước khi trồng rải vôi khắp đất vườn với lượng 0.5 kg/cây và tưới ẩm.
Sử dụng 10 – 20kg phân chuồng ủ hoai mục bằng nấm đối kháng Trichoderma và 1kg phân vi sinh Azotobacterin để bón lót. Tưới nước giữ ẩm, sau 20 ngày mới xuống giống.
4. Làm giàn cho cây chanh dây
Để cây chanh dây phát triển thì điều kiện đầu tiên là cần có giàn để cho thân cây có chỗ dựa và ra hoa đâu quả. Bạn có thể dùng các cọc gỗ, cọc bề tông để làm giàn và sử dụng các dây thép để tạo độ chắc chắn cho giàn.
Có thể làm theo kiểu giàn mướp hoặc kiểu chữ T. Giàn kiểu chữ T chanh dây phát triển tốt hơn do ánh sáng tiếp xúc bề mặt tán lớn, hạn chế nấm bệnh. Nên làm giàn cao 1,8 – 2m với các trụ tre, gỗ hoặc bê tông, bên trên căng lưới thép với khoảng cách ô vuông 40 x 40cm cho cây leo.
4. Quy trình bón phân
Cây chanh dây sau khi trồng khoảng 5 – 6 tháng đã cho quả. Vì vậy đảm bảo nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho giai đoạn sau trồng cây để cây phát triển khỏe mạnh bằng việc bón lót các loại phân:
Phân chuồng hoai mục 10 – 15kg/hố + Lân 0,5kg/hố
Trước khi trồng đất phải được xử lý bằng vôi, thuốc trừ nấm bệnh và tuyến trùng. Thời gian bón lót và xử lý đất phải được thực hiện trước khi trồng 1 tháng.
Lưu ý: Cây chanh dây có nhu cầu nước cho sinh trưởng và phát triển khá lớn. Vì vậy phải đảm bảo nguồn nước đầy đủ để cung cấp cho cây trong mùa khô và giai đoạn hạn cục bộ.
5. Chế độ chăm sóc
– Tưới nước:
Cây chanh dây là loại cây ưa độ ẩm cao, lượng nước nhiều và thường xuyên, khoảng 2 lần/ngày. Vào mùa khô cần tưới lượng nước nhiều hơn nhằm giúp giúp cây ra chồi, ra hoa và đậu quả liên tục.
– Cắt tỉa, tạo tán:
Việc cắt tỉa tạo tán nên làm thường xuyên tạo ra các cành thứ cấp mới phân bố đều trên mặt giàn giúp cho cây ra hoa đậu trái được tốt hơn. Nhất là vào mùa mưa nên tỉa bớt lá để hạn chế nấm bệnh phát triển gây hại. Đồng thời nhằm ức chế sinh trưởng, giúp cây ra cho nhiều nụ, đậu trái nhiều.
– Phòng trừ sâu bệnh cây chanh dây
+ Bệnh hại: Chanh dây thường gặp một số bệnh như:
Bệnh đốm nâu là loại bệnh phổ biến nhất, do nấm Alternaria passiflorae gây nên.
Bệnh virus phấn trắng do virus Passion Fruit Woodiness (viết tắt là PWV)
Bệnh đốm dầu bị gây ra bởi vi khuẩn Pseudomonas passiflorae.
Bệnh xoăn lá do Papaya leaf curl virus gây ra. Ngoài ra, rầy phấn trắng còn là trung gian truyền bệnh nhanh và nguy hiểm.
Bệnh thối rễ do nấm Phytophthora gây ra. Phytophthora cinamomi thường gây hại vào mùa hè và mùa thu, Phytophthora megasperma thường gây hại vào mùa xuân.
Bệnh héo xanh vi khuẩn do vi khuẩn Pseudomonas syringae gây ra.
Phòng trừ:
Đối với các bệnh do nấm gây ra có thể dùng các lọai thuốc: Vắc xin kết hợp với Siêu đồng tỉ lệ 1:1. Chủ động phòng bệnh vào trước mùa mưa để giảm thiểu tối đa thiệt hại do bệnh gây ra.
Đối với bệnh do vi khuẩn gây ra: Tiến hành cắt bỏ các phần bị bệnh trên cây hoặc nhổ bỏ cây bị nặng mang đi tiêu hủy. Sau đó sử dụng Nano chitosan kết hợp với Amino acid phun đều lên thân cành lá cây bệnh và những cây còn lại trong vườn để xử lý mầm bệnh đồng thời tăng kích kháng cho cây. Phun 2 lần cách nhau 3 ngày.
Lưu ý:
Bà con cần sát khuẩn, xử lí vườn sạch sẽ trước khi trồng mới để diệt trừ các loại nấm bệnh hại ở trong đất. Hạn chế sự phát triển và gây hại lên cây của chúng. Bón lót phân chuồng ủ hoai mục với nấm Trichoderma vào hố trước khi trồng cây để nấm Trichoderma tiêu diệt các loại nấm hại trong đất. Có hệ thống thoát nước tốt trong vườn. Nếu đất bằng thì cần đánh rãnh thoát nước trong mùa mưa, hạn chế ngập úng trong vườn. Nếu dàn chanh dây quá rậm rạp, nên cắt tỉa các lá già để giàn được thông thoáng, giúp ánh nắng mặt trời chiếu xuống đất, hạn chế tình trạng đất quá ẩm thấp.
+ Sâu hại:
Bọ trĩ, ruồi đục trái, nhện đỏ,…Đối với các loại côn trùng chích hút cần tiến hành phun các loại thuốc phòng trừ sâu hại như chế phẩm sinh học Bacillus, Nấm xanh Nấm trắng. Thời điểm xử lý là lúc sáng sớm hoặc chiều mát, vì giai đoạn này các loài này thường hoạt động gây hại mạnh.
7. Thu hoạch và bảo quản
Thu hoạch nên tiến hành đồng loạt, thu tất cả các trái chín và chín hoàn toàn nhằm đạt trọng lượng tối đa cho năng suất cao. Thu hoạch tránh làm vỏ quả bị trầy xước cơ học làm ảnh hưởng đến mẫu mã và vi sinh vật gây hại xâm nhập vào trong quả.
Bảo quản nơi thoáng mát, chọn phân loại quả trước khi đóng hộp vận chuyển.