Bón phân thúc cho cây ăn quả có múi là thời điểm chăm bón không kém phần quan trọng so với lần bón phân sau thu hoạch. Nếu như bón phân sau thu hoạch giúp cây hồi sức nhanh để cây có thể ra hoa, đậu quả thì lần bón phân này sẽ giúp cho quả lớn nhanh, đồng đều và chất lượng được đảm bảo.
Bón phân thúc trái là thời điểm hết sức quan trọng bởi vì kể từ lúc đậu trái đến thời điểm bón này cây dường như không được ăn phân, lượng dinh dưỡng đã bón trước đó có khi đã hết nhưng chúng ta không dám bón thêm vì sợ dư phân. Nếu dư phân sẽ dễ gây ra hiện tượng rụng quả và vàng lá,…
Vậy để bón phân thúc trái đạt hiệu quả cao nhất chúng ta cần làm thêm một số việc sau đây:
Thứ nhất, bổ sung humic kích rễ trước khi bón phân từ 5 – 7 ngày để chuẩn bị cho cây một bộ rễ tốt nhất, khỏe nhất, giúp gia tăng khả năng hút và tốc độ hút dinh dưỡng cho rễ. Từ đó sẽ giúp cây sử dụng được tối đa lượng phân bón vào thời điểm này.
Còn phân bón gốc ở giai đoạn này mọi người có thể sử dụng loại NPK 2-1-2, 3-1-3 hoặc sử dụng các loại phân hữu cơ như phân gà nhật, bột đậu tương, phân vi sinh cố định đạm sinh học azotobacterin,…
Thứ hai, đối với những cây có biểu hiện thiếu chất, vàng lá, yếu hơn những cây còn lại chứng tỏ nó đang bị stress (cây trồng sau khi ra hoa đậu quả cũng giống như phụ nữ sau sinh rất dễ bị stress, trầm cảm,…). Khi thấy cây như vậy, cần phải bổ sung amino acid để giải stress cho cây ngay, tránh để tình trạng này kéo dài vì sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quá trình nuôi quả của cây làm giảm năng suất, chất lượng.
Lưu ý: Để bón phân thúc cho cây ăn quả có múi đạt hiệu quả cao nhất và tiết kiệm nhất chúng ta nên chia lượng phân cần bón ra làm nhiều đợt. Thời gian bón định kỳ thích hợp nhất là 1 tháng/lần. Tránh bón quá nhiều cùng 1 lúc sẽ gây lãng phí do bị bốc hơi, rửa trôi và nhiều khi còn làm xót rễ ảnh hưởng đến sự phát triển của cả cây.
Ngoài ra, giai đoạn này cũng là giai đoạn thời tiết khá phức tạp, thuận lợi cho các đối tượng dịch hại như nấm bệnh, vi khuẩn, nhện đỏ phát triển. Để đảm bảo an toàn cho cây, chúng ta cũng cần phải có những biện pháp chuẩn bị để ứng phó với các trường hợp xấu nhất. Tốt nhất là nên sử dụng các biện pháp phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Đối với nấm bệnh, vi khuẩn thời điểm này rất dễ gây ra bệnh ghẻ loét gây hại lá sau đó lan dần sang cành và quả. Chúng ta cần sử dụng sunfat đồng kết hợp với nấm đối kháng để phòng, trị một cách dứt điểm và hạn chế tối đa sự lây lan.
Xem thêm: Cách phòng, trị bệnh ghẻ loét an toàn, bền vững bằng nấm đối kháng
Còn đối với nhện đỏ, chúng ta sử dụng các loại nấm ký sinh như là nấm xanh nấm trắng để có thể diệt trừ cả nhện trưởng thành, trứng nhện và nhện con,…
Sau đợt thúc trái này, trước khi thu hoạch 2 tháng, tức là 7 tháng từ khi đậu quả đối với cam và 4 – 5 tháng đối với bưởi chúng ta cần bón thêm một lượng kali vừa đủ để tạo ngọt và gia tăng hương vị, màu sắc cho quả. Nếu gặp mưa, cần bổ sung thêm một ít bột đá dolomite cho toàn vườn để đảm bảo pH không bị tụt xuống quá sâu gây ảnh hưởng đến độ tan của phân bón.