Sâu Bệnh trên dưa hấu thường gặp gồm 10 loại chính. Đa phần là do các loài nấm và vi khuẩn trong đất gây hại. 10 loại chính bao gồm vàng lá thối rễ, bệnh thán thư, nứt thân xì mũ, héo xanh, chết thắt cây con, sương mai, tuyến trùng, bọ trĩ, rầy mềm, sâu ăn lá.
1. Bệnh vàng lá thối rễ trên cây dưa hấu
Nguyên nhân: Bệnh vàng lá thối rễ trên cây dưa hấu do nấm Fusarium oxysporium gây ra. Nấm xâm nhập phá hại làm rễ bị thối đen. Nấm bệnh tồn tại trong đất và phát sinh khi gặp điều kiện thuận lợi như mưa nhiều, đất bị ngập úng, rễ có vết thương hở do tuyến trùng hay côn trùng cắn phá.
Ngoài ra, bệnh vàng lá trên cây dưa hấu thường xuất hiện nhiều trên đất trồng có độ ẩm cao, ít được cải tạo thường xuyên.
Giải pháp: Khi phát hiện ruộng dưa hấu có biểu hiện vàng lá cần nhổ bỏ những cây bị nhiễm bệnh và mang đi tiêu hủy để tránh lây lan. Sử dụng nấm đối kháng kết hợp với các loại nấm men và k-humate tưới đều ở gốc và dọc xung quanh luống để xử lý bệnh tân gốc.
Bước tiếp theo để phục hồi cây dưa hấu bị vàng lá đó là sử dụng acid amin ở dạng nano để bồi bổ cho cây phục hồi. Ngoài ra cần giữ cho vườn trồng khô thoáng, thoát nước tốt vào mùa mư. Cải tạo nền đất, ổn định độ pH đất, bón nhiều hữu cơ. bổ sung nấm đối kháng định kỳ để cân bằng hệ sinh thái nhằm phòng bệnh hiệu quả hơn.
2. Bệnh thán thư trên cây dưa hấu
Nguyên nhân: Bệnh thán thư trên cây dưa hấu do nấm Colletotrichum lagenarium gây ra. Thường các bộ phận trên mặt đất đều có thể bị bệnh. Bệnh thán thư trên cây dưa hấu xuất hiện suốt trong thời gian sinh trưởng của cây. Bệnh đặc biệt gây hại mạnh nhất vào giai đoạn hình thành trái. Bệnh phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng, mưa nhiều. Bào tử lây lan chủ yếu do mưa gió.
Mầm bệnh của bệnh thán thư trên cây dưa hấu có thể lưu tồn nhiều trong xác bả thực vật. Đặc biệt là đối với đất trồng không được cải tạo thường xuyên. Vườn lên luống thấp, hay ngập ung, trồng độc canh nấm cũng tồn tại rất nhiều.
Giải pháp: Để xử lý bệnh thán thư trên cây dưa hấu cần nhổ bỏ, thu gom cành lá đã nhiễm bệnh đem ra ngoài vườn tiêu hủy, tránh lây lan. Sử dụng nấm đối kháng kết hợp với nano đồng phun đều để diệt nấm phòng trừ cho những cây chưa bị.
Bón phân cân đối, đầy đủ dinh dưỡng, không dư đạm. Tưới tiêu hợp lý, không để đất úng nước. Phun phòng nấm định kỳ, nhất là các thời điểm trước mùa mưa. Đặc biệt là phải cải tạo đất. Xử lý nền đất khỏe, bổ sung các chủng vi sinh vật có lợi vào đất trước thời điểm lên luống trồng.
3. Bệnh nứt thân xì mủ
Nguyên nhân: Bệnh nứt thân xì mủ trên cây dưa hấu do nấm Mycosphaerella citrullina gây ra. Nấm tồn tại trong đất trồng và tàn dư cây bệnh, lây lan bằng bào tử. Thời tiết nóng và mưa nhiều là điều kiện thích hợp cho bệnh phát triển. Đặc biệt là các ruộng dưa hấu bón nhiều đạm thiếu canxi.
Giải pháp: Khi vườn nhiễm bệnh, nhổ bỏ và tiêu huỷ những cây bị bệnh. Sử dụng nấm đối kháng kết hợp với nano đồng kết hợp với nhau phun ướt đẫm thân cành lá để sát khuẩn và diệt nấm hại cho những cây chưa nhiễm.
Trong thời gian trị bệnh cho cây cần giảm lượng nước tưới, tuyệt đối không được làm ướt lên thân, lá khi tưới. Hạn chế bón đạm, bổ sung canxi và kali để giúp cây phục hồi nhanh hơn. Cần thường xuyên thăm vườn, tỉa bỏ bớt các nhánh vô hiệu, lá già tạo độ thông thoáng cho luống. Xử lý cải tạo đất sau mỗi vụ bằng hữu cơ kết hợp với vi sinh để cải tạo chất đất cũng như cân bằng hệ sinh thái đất giúp phòng bệnh hiệu quả hơn.
4. Bệnh héo xanh trên cây dưa hấu
Nguyên nhân: Bệnh héo xanh ở cây dưa hấu do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra. Vi khuẩn héo xanh dưa hấu gây bệnh cho cây bằng cách xâm nhiễm vào rễ, thân cuống lá qua các vết thương cơ giới do quá trình chăm sóc. Các vết thương này thường xuất hiện sau các quá trình vun xới hoặc do côn trùng, tuyến trùng gây hại.
Bệnh héo xanh dưa hấu phát sinh, phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao, mưa gió, đất trũng, ẩm độ thấp thường xuyên.
Giải pháp: Để xử lý bệnh héo xanh dưa hấu cần nhổ bỏ và tiêu hủy những cây bị nhiễm bệnh mang đi xử lý tránh lây lan. Sử dụng nấm đối kháng kết hợp với nano đồng kết hợp với nhau phun ướt đẫm thân cành lá để sát khuẩn và diệt nấm hại cho những cây chưa nhiễm. Kết hợp tưới tiêu hợp lý, phun phòng nấm định kỳ.
Sau khi thu hoạch xong nếu làm vụ mới cần xử lý cải tạo đất thật kỹ bằng hữu cơ vi sinh trước khi lên luống trồng.
5. Bệnh chết thắt cây con
Nguyên nhân: Bệnh chết thắt cây con do loại nấm Rhizoctonia solani gây hại ở giai đoạn cây con đang sinh trưởng, nấm bệnh khiến cây con bị héo tóp gốc thân, rễ cây bị vàng và thối nhưng lá vẫn còn xanh tươi, sau một thời gian lá mới héo dần và làm cây con chết.
Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện độ ẩm cao khiến nấm sản sinh trong lòng đất, ở giai đoạn này cây con còn rất yếu nên dễ nhiễm bệnh khiến cây khó sinh trưởng tốt, thậm chí cây không thể sống được.
Giải pháp: Cần xử lý đất trồng thật kỹ trước khi gieo trồng cây con bằng nấm đối kháng kết hợp với nano đồng. Kết hợp với phun phòng bằng nấm đối kháng khi cây con mới mọc.
6. Bệnh sương mai
Nguyên nhân: Bệnh sương mai trên cây dưa hấu do nấm Pseudoperonospora cubensis gây ra. Đất trồng quá ẩm ướt, ngập úng thường xuyên tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển.
Đồng thời đất trồng không được xử lý trước khi lên luống, còn sót lại tàn dư của cây bệnh vụ trước hay đất không được luân canh mà trồng liên tục nên nấm hại phát sinh nhiều.
Vườn trồng với mật độ dày, bón quá nhiều đạm, thiếu vi lượng nấm sẽ phát sinh nhiều do quá rậm rạp. Thời tiết có nhiệt độ mát hoặc hơi lạnh, ẩm độ không khí cao, ít nắng, đêm sương mù nhiều là điều kiện tối ưu cho bệnh phát triển.
Giải pháp: Nhổ bỏ và tiêu hủy những cây bị nhiễm bệnh mang đi xử lý tránh lây lan.
Sử dụng nấm đối kháng kết hợp với nano đồng phun phòng cho những cây chưa nhiễm.
Tưới tiêu hợp lý và cần lưu ý xử lý đất thật kỹ trước khi lên luống trồng bằng hữu cơ vi sinh để hạn chế nấm bệnh phát triển trong đất.
7 Tuyến trùng (sưng rễ) trên cây dưa hấu
Nguyên nhân: Bệnh truyến trùng trên cây dưa hấu do tuyến trùng Meloidogyne spp gây ra. Tuyến trùng hại cây dưa hấu sống trong đất. Chúng chích vào rễ cây tạo thành các u bướu, sống và phát triển trong đó. Tuyến trùng dưa hấu phát triển thích hợp trong các loại đất cát.
Giải pháp: Để xử lý tuyến trùng hại cây dưa hấu cần nhổ bỏ cây bệnh tránh lây lan. Sử dụng Neem thảo mộc để xử lý tuyến trùng tại khu vực cây dưa hấu bị bệnh. Kết hợp tưới phòng trừ cho cả vườn.
Tưới tiêu hợp lý, bón phân cân đối, đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường đề kháng cho cây. Trồng xen canh và luân canh hợp lý với các cây trồng khác họ.
8. Rầy mềm
Nguyên nhân: Cả ấu trùng và thành trùng tập trung mặt dưới lá. Nhiều nhất là đọt non và hoa, chồi. Chúng hút nhựa của cây làm lá bị quăn queo. Phân của chúng tiết ra thu hút nhiều nấm đen bao quanh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trái. Trong giai đoạn có hoa nếu bị rầy tấn công với mật số cao thì hoa dễ bị rụng. Chúng gây hại trái non gây rụng trái, méo trái,…
Ngoài ra, rầy còn là tác nhân truyền bệnh virus cho cây. Sau cùng làm cây bị mất sức, lùn và chết. Rầy phát triển mạnh khi vườn trồng bị mất cân bằng sinh thái, không có thiên địch, thiếu thông thoáng.
Giải pháp: Cắt bỏ và thu gom những cành lá bị rầy hại nặng. Sử dụng nấm xanh nấm trắng kết hợp phân bón lá phun phòng định kỳ và phun khi chúng xuất hiện ở mật độ cao. Trồng xen canh và luân canh hợp lý với các cây trồng khác họ. Bảo vệ và phát triển thiên địch trong vườn.
9. Bọ trĩ
Nguyên nhân: Bọ trĩ gây hại nặng từ giai đoạn cây con đến ra hoa, đậu trái. Bọ trĩ hút nhựa làm đọt và lá non xoăn lại. Mật độ cao làm cây cằn cỗi không phát triển được, đọt dưa chùn lại, lá vàng và khô, hoa rụng, không đậu trái hoặc trái không lớn. Bọ trĩ cũng là môi giới lan truyền bệnh khảm cho cây dưa.
Bọ trĩ phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng và khô. Gặp điều kiện thích hợp, bọ trĩ phát triển rất nhanh, dễ gây thành dịch, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và năng suất dưa hấu.
Bọ trĩ phát triển mạnh khi trong vườn trồng độc canh, mất cân bằng sinh thái, không có cây trồng thu hút thiên địch hay cây trồng xua đuổi.
Giải pháp: Sử dụng nấm ba màu kết hợp với nano đồng phun phòng định kỳ và phun khi bọ trĩ xuất hiện ở mật độ cao. Trồng xen canh và luân canh hợp lý với các cây trồng khác họ. Bảo vệ và phát triển thiên địch trong vườn. Cắt bỏ và thu gom những cành lá bị bọ trĩ gây hại nặng đem tiêu hủy.
10. Sâu ăn lá
Nguyên nhân: Sâu ăn lá có tập quán là dùng tơ cuốn các đọt non lại và ở bên trong ăn phá hoặc cạp vỏ trái non làm cho trái bị thối và rụng. Khi sâu lớn có thể cắn trụi cả lá và chồi ngọn của đọt non. Khi trái lớn sâu thường ẩn ở mặt dưới, nơi phần trái chạm mặt đất và cạp lớp da bên ngoài làm trái bị lép nơi đó và da trái bị loang lổ. Sâu làm nhộng trong các lá non cuốn lại.
Sâu cắn phá mạnh vào lúc sáng sớm nhưng khi có ánh nắng sâu chui xuống dưới tán lá để ẩn nắp. Chiều mát sâu bắt đầu hoạt động trở lại và phá hại suốt đêm. Sâu ăn lá có thể kháng lại thuốc hóa học nếu chúng ta phun trong thời gian dài và có chiều hướng phát triển khỏe hơn.
Giải pháp: Sử dụng chế phẩm trừ sâu sinh học từ vi khuẩn BT (Bacillus thuringiensis) phun phòng định kỳ và phun khi sâu xuất hiện mật độ cao. Trồng xen canh các cây trồng hy sinh trong vườn để giảm áp lực với cây trồng chính. Phát triển các loài thiên địch trong vườn.
Nguồn: https://nongnghiepthuanthien.vn/
Bạn đang gặp vấn đề gì về cây trồng ? Để lại thông tin vào Form bên dưới để được kỹ thuật viên hỗ trợ kịp thời !