Phân bón trong trồng trọt là khái niệm tưởng chừng đơn giản nhưng nó lại hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa. Nếu như cuộc sống của con người ngoài việc cần không gian để hít thở, thì cần phải bổ sung thức ăn, nước uống và cả tri thức để có thể duy trì sự sống và phát triển bản thân. Cây trồng cũng vậy, ngoài những yếu tố thiên nhiên thì nó cần được con người bổ sung các loại thức ăn để cây có thể phát triển một cách bền vững nhất, vậy:
Phân bón là gì?
Phân bón có tác dụng như thế nào đối với đời sống cây trồng?
1. Phân bón là gì?
Phân bón là những chất, hợp chất được đưa vào đất để làm tăng độ phì nhiêu của đất làm thức ăn cho cây trồng. Chúng chứa một hoặc nhiều chất dinh dưỡng cần thiết để cây trồng sinh trưởng và phát triển cho năng suất cao.
Phân bón là “thức ăn” do con người bổ sung cho cây trồng.
Trong phân bón có chứa những chất dinh dưỡng như đạm (N), lân (P), kali (K).
Phân bón được chia làm 3 nhóm:
- Phân bón hữu cơ
- Phân bón hóa học
- Phân bón vi sinh
Phân bón hữu cơ:
Là các loại phân được tạo từ các chất có nguồn gốc tự nhiên (không qua chế biến công nghiệp): Bột photphoric, phân xanh, phân chuồng hoai mục,…
Phân bón hóa học:
Là các loại phân bón đã được qua chế biến công nghiệp. Như: Phân ure, phân lân nung chảy, phân hỗn hợp NPK…
Phân bón vi sinh:
Là các loại phân bón được áp dụng khoa học công nghệ sinh học vào sản xuất phân. Trong phân có đưa vi sinh vật vào phân để cải thiện hệ vi sinh vật đất nhằm cung cấp dinh dưỡng tốt hơn. Đồng thời giải quyết một số vấn đề như: Cung cấp kháng sinh phòng ngừa sâu bệnh, kích thích sự phát triển của cây trồng. Tuỳ theo loại vi sinh vật mà tạo ra các loại phân vi sinh khác nhau: Phân vi sinh cố định đạm cộng sinh, phân vi sinh phân giải lân, phân vi sinh cố định đạm tự do.
Lưu ý: Ngoài các loại phân bón kể trên, để cải tạo đất chua người ta thường dùng vôi.
2. Tác dụng của phân bón trong trồng trọt
Phân bón đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, không thể thiếu trong trồng trọt. Phân bón giúp:
- Giúp cây cối tươi tốt, khỏe mạnh.
- Làm tăng độ phì nhiêu của đất
- Tăng năng suất cây trồng và chất lượng nông sản.
- Cung cấp các chất cần thiết cho sự phát triển của cây trồng
- Bón phân hợp lý, cân đối sẽ giúp năng suất cây trồng tăng cao, phát triển tốt, hạn chế sâu bênh hại, nâng cao chất lượng nông sản..
Phân bón là nguồn cung cấp dinh dưỡng chủ yếu cho cây trồng thông qua bộ rễ của cây, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quyết định năng suất của cây.
Tìm hiểu về các loại phân bón trong trồng trọt tại đây
3. Tác động của phân bón đến môi trường
Ngoài những tác dụng của phân bón đối với trồng trọt, việc sử dụng phân bón cũng tác động không nhỏ đến môi trường.
- Bón phân quá nhiều sẽ gây dư thừa phân bón trong đất, nhất là phân bón vô cơ. Các chất độc có trong các loại phân bón sẽ theo nguồn nước thấm sâu vào đất, khiến đất trở nên chai cứng, gây ô nhiễm đất, nguồn nước.
- Do công nghệ chế biến thô sơ, các chất thải ra môi trường không được xử lý đảm bảo gây nên mùi hôi, ô nhiễm nguồn nước, đất, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người.
- Ngày nay lượng phân bón quá lớn được bón trong trồng trọt gây ảnh hưởng lớn đến giá trị, chất lượng cây trồng, gây hại cho người sử dụng.
- Lượng phân bón thất thoát bị nước rửa trôi, dễ gây ra hiện tượng ô nhiễm nguồn nước. Một lượng nhỏ bay hơi gây ô nhiễm không khí.
Việc sử dụng phân bón quá liều lượng, bón phân không hợp lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến với con người, môi trường. Bà con nên biết cách sử dụng phân bón hợp lý, kết hợp nhiều loại phân lại với nhau, sử dụng với liều lượng phù hợp tránh gây ra hiện tượng thất thoát, gây ô nhiễm và tốn kinh phí.
Việt Nam đang chuyển mình hướng tới một nền Nông nghiệp bền vững vì nhận ra được tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ hay phân bón vi sinh thì giấc mơ nông sản Việt vươn tầm thế giới sẽ là giấc mơ không còn xa nữa.