Thanh long là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên việc chăm sóc cây thanh long cũng không phải dễ dàng. Đọc bài này để hiểu hơn về cách chăm sóc cây thanh long nhé!
1. Đất và thời vụ trồng
Đất trồng :
Thanh Long dễ sống, dễ trồng, mọc được trên nhiều loại đất khác nhau ( đất xấu,
khô cằn, đất cát mặn, đồi, ruộng không ngập nước, nơi có nguồn nước tưới…).
Tiêu biểu như vùng đất xám bạc màu (Bình Thuận), đất phèn và phù sa (ĐBSCL), đất đỏ (Long Khánh, Đồng Nai)…
Thời vụ trồng:
Tùy theo từng địa phương, có thể trồng vào đầu vụ xuân hoặc cuối vụ mưa.
Tuy nhiên, cây thanh long có nguồn gốc nhiệt đới nên chịu hạn giỏi, nhưng không chịu được giá lạnh, vì thế cần ủ ấm cho cây vào mùa đông.
2. Chuẩn bị đất trồng
Việc chuẩn bị đất trồng rất quan trọng cho cây phát triển từ giai đoạn đầu. Thanh long phát triển tốt nhất trên vùng đất cát hay đất thịt pha cát có tầng đất canh tác dày (từ 1,5 – 2m), thoát nước tốt.
- Đất cao:
Công việc chuẩn bị đất tương đối đơn giản: cắm cọc, đào lỗ xuống trụ.
Sau khi chôn xong trụ thì đào âm quanh trụ sâu độ 10 – 20 cm, đường kính 1,5 m, bón lót phân chuồng rồi phủ lớp đất mặt lên sau đó đặt hom.
- Đất thấp:
Chiều cao mặt líp so với mặt nước trong mương độ 40 cm, để đề phòng trong mùa mưa nước có thể dâng cao ngang mặt liếp nhất là ở những nơi thấp thì cần phải làm thêm mực trước khi xuống giống.
3. Mật độ trồng thanh long
Khoảng cách trồng: (3 x 3 x 3.5m), hố đào sâu 20cm, rộng 20-30 cm, trồng 4-5 hom giống thanh long/trụ, độ dài hom giống 60-80cm.
Cây làm trụ 2.8 m, đường kính 15 cm.
Cọc có thể bằng xi măng hoặc bằng gỗ, trên đầu cọc cần phải làm giàn chữ thập cho cây bò.
Sau khi trồng, cần ủ rơm rạ, rác mục và tưới nước xung quanh gốc.
Thanh long có khả năng thích ứng với các đất có độ chua (pH) rất khác nhau, nhưng do xuất xứ từ vùng khô hạn nên pH gần trung tính (trên dưới 6) sẽ dễ phát triển hơn.
4. Bón phân
Kiến thiết cơ bản:
- Bón lót: Phân chuồng hoai/phân hữu cơ giàu humate + vôi hay phân lân nung chảy.
- Bón thúc: Bà con bón cân đối giữa đạm, lân và kali.
Thời kỳ kinh doanh:
- Bón phân hữu cơ hoặc phân chuồng ủ hoai bằng nấm đối kháng Trichoderma.
- Trong thời gian nuôi cành, tạo tán: bón đạm cao, lân vừa và kali thấp.
- Phân hóa mầm hoa: lượng đạm trung bình, lân cao và kali trung bình.
5. Tưới nước
Mặc dù thanh long chịu hạn giỏi, nhưng nắng hạn kéo dài sẽ làm cây mất sức và làm giảm năng suất nhiều. Biểu hiện của sự thiếu nước là:
- Cành mới hình thành ít và phát triển rất chậm.
- Cành bị teo lại và chuyển sang màu vàng.
- Tỉ lệ rụng hoa ở các đợt hoa đầu tiên cao >80%.
- Quả nhỏ.
Tùy theo ẩm độ đất… mà nhịp độ tưới thay đổi từ 3 – 7 ngày/lần. Trồng thanh long có xử lý ra hoa bằng đèn đều đã phải chủ động tưới nước vào mùa nắng, thường tưới vào buổi sáng theo nhịp độ nêu trên.
Trên các chân đất phèn do đất thấp, thủy cấp gần mặt đất nên việc tưới nước ít được chú ý hơn, một số hộ đã dùng bơm tưới bổ sung thấy có kết quả, trừ khi nước phèn có độ pH quá thấp. Cũng cần lưu ý là các cây thuộc họ xương rồng chịu được nắng hạn giỏi nhưng lại khá mẫn cảm với độ mặn, nên các vùng mùa nắng bị nhiễm mặn cần chú ý điều này.
6. Tỉa cành thanh long
Năm thứ 2: tỉa nhẹ để tạo tán dù.
Cuối năm thứ 3 mỗi trụ có độ 100 cành phân bố đều trên đầu trụ.
Tỉa cành già làm thông thoáng tán cây, giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi cành mới. Có 3 cách cắt tỉa:
- Tỉa đầu: thực hiện sau thu hoạch hoặc trước đợt thu quả cuối cùng.
Ưu điểm: Dễ làm, đỡ tốn công.
Khuyết điểm: qua nhiều năm các lớp cành chồng chất lên nhau nên bụi thanh long bị đôn lên cao.
- Tỉa lựa: Lựa cắt các cành cần tỉa.
Ưu điểm: Tạo được sự thông thoáng, qua nhiều năm trụ không đôn lên cao. Giữ được sự cân đối giữa các cành của tán cây.
Khuyết điểm: Tốn công.
- Tỉa sửa cành: Để kiểm soát số cành con trên cành mẹ (cành sừng trâu).
+ Chỉ giữ lại 1-3 cành con/cành mẹ, các cành con/mẹ xa nhau và phân bố đều.
+ Giữ lại các cành mập, khỏe, tỉa bỏ những cành mọc lòa xòa ra lối đi.
+ Do nhu cầu tạo quả trái vụ, một số cành già trước đây thường bị tỉa đi, nay được giữ lại để tạo cảm ứng ra hoa bằng thắp đèn.
7. Kích thích ra hoa
Thắp đèn được xem là biện pháp xử lý ra hoa nghịch vụ hiệu quả nhất.
- Thời gian thắp sáng liên tục từ 15-20 giờ tùy theo mùa và điều kiện thời tiết. Thời gian thắp đèn từ 7-10 giờ/đêm. Sau khi ngưng thắp đèn 3-5 ngày thì cây ra hoa. Từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 52-54 ngày.
- Trước khi thắp đèn 1 tuần cần phải bón phân đón hoa có tỷ lệ Lân và Kali cao.
8. Phòng trừ côn trùng và nấm bệnh
Côn trùng
Bọ xít: hại thanh long từ khi có nụ hoa đến khi trái hình thành, chúng chích hút nhựa, để lại những vết chích rất nhỏ nhưng đến khi quả chín nơi các vết chích sẽ xuất hiện một chấm đen, mất giá trị xuất khẩu. Việc phòng trừ dùng Nấm xanh Nấm trắng. Phun lên khu vườn có bọ xít xuất hiện.
Ruồi vàng hay ruồi trái cây (Dacus dorsalis): là đối tượng nguy hiểm đang được báo động hiện nay. Trưởng thành chích và đẻ trứng vào quả gây thoái hóa phần thịt quả và phần nhựa chảy ra ngoài vỏ làm quả thanh long bị hư, không xuất vườn được. Là đối tượng mới xuất hiện trên thanh long nhưng ruồi trái cây đã phá rất nhiều loại quả ở nước ta vì thế cần chú ý phòng trừ.
Nấm Bệnh
Bệnh thối đầu cành: ngọn cành thanh long chuyển màu vàng, rồi mềm, sau đó thối. Cây tăng trưởng chậm, số cành giảm hẳn. Bệnh hay xảy ra vào cuối mùa nắng. Bệnh xảy ra không những trên đất phèn (đất thấp) mà còn cả trên đất cao nữa. Nguyên nhân chính là do nấm Alternaria sp. gây ra. Trị bằng cách phun Vắc xin kết hợp Siêu đồng 2 lần liên tiếp cách nhau 3 – 5 ngày.
Bệnh đốm nâu trên cành: thân cành thanh long có những đốm tròn như mắt của màu nâu. Vết bệnh nằm rải rác hoặc tập trung, thường kéo dài thành từng vệt dọc theo thân cành. Có nhiều vết acervulus tròn đen năm rải rác. Tác nhân là nấm Gloeosporium agaves. Thuộc họ Nectrioidaceae, Bộ Melanconialea, Lớp Deuteromycetes.
Bệnh nám cành: trên thân cành có một lớp màng mỏng màu xám tro, nhám. Tác nhân là nấm Macssonina agaves Syd và Sphaceloma sp. Họ Nectrioidaceae, Bộ Melanconiales, Lớp Deuteromycetes. Biện pháp phòng trị chung cho các bệnh thanh long là vệ sinh đồng ruộng, chống úng và chống hạn cho cây. Khi tới mức độ phải trị thì dùng chế phẩm sinh học Vắc xin kết hợp Siêu đồng.
Các hiện tượng sinh lý:
Hiện tượng rụng nụ: xuất hiện khi số nụ trên cành nhiều. Sau khi nụ xuất hiện 5 – 7 ngày thì nụ không phát triển nữa, vàng rồi rụng. Tỷ lệ rụng từ 10% đến 20%. Cây tự quân bình sinh lý để nuôi quả còn lại trên cây. Để hạn chế sự rụng quả sinh lý cần bón phân tưới nước đầy đủ và quân bình.
Hiện tượng nứt vỏ trái: do thời tiết, trời hạn ở giai đoạn vỏ quả phát triển, sau đó mưa nhiều hoặc tưới nhiều vào lúc ruột qua phát triển nên quả nứt. Mặt khác, do nhà vườn treo quả lâu đợi dịp có giá mới bán. Để hạn chế nên kiểm soát độ ẩm đất, không để vườn khô hạn trong thời kỳ cây nuôi quả.
9. Thu hoạch
Sau khi trái chuyển qua đỏ độ 3 ngày thì có thể thu trái. Đi dọc theo hàng, lựa cắt quả đúng chuẩn xếp vào gùi.
Khi đầy gùi thì chuyển ra xếp vào cần xé xếp theo từng lớp có lót giấy hoặc rơm, sau đó chuyển đến nơi thu mua.
Thanh long chín lần 1, nếu không thu thì 1 tuần sau trái sẽ xanh trở lại. Sau đó, sẽ chín đỏ một lần nữa.
Với những trái đã chín lần 2, lần 3, độ ngọt sẽ nồng hơn, vỏ mỏng đi rất nhiều so với trái chín lần một. Thịt trái giảm độ giòn, nhưng các chất dinh dưỡng lại nhiều hơn.
Tiêu chuẩn trái xuất khẩu:
- Trái có trọng lượng lớn, chuyển màu đỏ được 2 – 3 ngày, ngoại hình đẹp, vỏ không bị trầy sướt, các tai lá trên quả còn xanh tươi, không có vết chích của côn trùng.
- Không có vết bệnh và không có bất cứ tồn dư thuốc hóa học nào trên ngưỡng cho phép để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
Trái tiêu thụ trong nước:
- Thường được thu hái trễ hơn nên quả nặng, to hơn, và ngọt hơn thích hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước.
- Việc thu hoạch tiến hành giống như khi thu xuất khẩu nhưng không cần xử lý đóng thùng, chỉ cho vào cần xé, may miệng lại rồi chở đến nơi tiêu thụ.