Kali là một trong ba chất dinh dưỡng đa lượng thiết yếu đối với cây trồng. Nó cần thiết cho tất cả các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây. Tuy nhiên, tùy vào từng giai đoạn cây trồng sẽ có nhu cầu về kali khác nhau.
Vậy nên bổ sung kali cho cây vào thời điểm nào?
1. Trước, trong thời điểm bón phân
Kali giúp tăng khả năng hút nước và dinh dưỡng của rễ cây. Điều hòa các chất dinh dưỡng, tăng khả năng hút đạm và lân tốt hơn. Vì vậy kali thường được bón trước hoặc bón cùng thời điểm với các loại phân bón khác để tăng khả năng hấp thu và vận chuyển dinh dưỡng của cây trồng.
2. Thời điểm làm hoa
Kali giúp tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng để cây phát triển khỏe mạnh; tạo điều kiện thuận lợi cho cây đẻ nhánh, phân cành, lá. Kali giúp làm tăng quá trình phân hóa mầm hoa, giảm tỷ lệ rụng, tăng tỷ lệ đậu quả. Đối với các loại cây ăn quả, cây cần nhiều kali trong giai đoạn làm hoa, nuôi trái. Vì vậy trước thời điểm làm hoa cần tiến hành bón kali để tăng khả năng ra hoa đậu quả.
3. Thời tiết bất lợi, khô hạn
Kali có vai trò chủ yếu trong việc chuyển hoá năng lượng trong quá trình đồng hoá các chất dinh dưỡng của cây, giúp cây cứng cáp, chắc khỏe, ít đổ ngã.
Kali giúp tăng khả năng sử dụng ánh sáng cho cây trồng trong điều kiện ít nắng. Giúp cây giữ nước tốt hơn; tăng khả năng chống hạn nhờ tăng cường hydrat hóa các cấu trúc keo của huyết tương và nâng cao khả năng phát tán của chúng. Bên cạnh đó kali giúp tăng cường sức chịu rét và chống chọi qua mùa đông nhờ tăng lực thẩm thấu của tế bào.
Vì vậy Kali thường được bổ sung cho cây trồng trước các đợt thời tiết bất lợi, sâu bệnh.
4. Giai đoạn tạo ngọt cho quả.
Kali góp phần nâng cao năng suất và chất lượng nông sản thông qua quá trình tăng tích lũy đường; vitamin trong quả. Giúp màu sắc quả đẹp hơn, hương vị quả thơm ngon hấp dẫn hơn, kéo dài thời gian bảo quản nông sản. Vì vậy kali thường được sử dụng bón cho cây trước thời điểm thu hoạch từ 1-2 tháng. Đặc biệt trong giai đoạn này việc sử dụng các loại kali hữu cơ như k-humate sẽ giúp quả có vị ngọt thanh tự nhiên, không bị ngọt gắt, mỏng vỏ, mọng trái.
Bên cạnh việc bón kali vào đúng thời điểm thì việc lựa chọn loại kali phù hợp sẽ mang lại hiệu quả khác nhau. Ngày nay, theo xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững, việc sử dụng các nguồn kali hữu cơ từ tự nhiên thường được ưu tiên để thay thế các nguồn kali tổng hợp; vừa giúp bảo vệ môi trường, tận dụng được những tài nguyên sẵn có, tiết kiệm chi phí, vừa giúp tìm lại được hương vị tự nhiên cho nông sản.
Đọc tiếp:
- Cách ủ chuối làm phân bón kali bón và phun cho cây trồng
- Một số lưu ý khi sử dụng phân Kali cho cây ăn trái