Đăng bởi Để lại phản hồi

Toàn cảnh chuyến xuất Trung đầu tiên của sầu riêng Việt Nam

Hơn 100 tấn sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu sang Trung Quốc xuất phát từ huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk trên 6 container, của 5 doanh nghiệp.

Chiều 17/9, tại huyện Krông Pắc, thủ phủ sầu riêng của Đắk Lắk diễn ra lễ công bố xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Trong lễ công bố lô sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc có 5 doanh nghiệp tham gia bao gồm Dũng Thái Sơn, Vạn Xuân Phát, Chánh Thu, Minh Thiện và CHH. Tổng số container sầu riêng xuất khẩu là 6 và khối lượng vào khoảng hơn 100 tấn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác tìm hiểu quy trình sơ chế, đóng gói sầu riêng tươi phục vụ cho xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tại kho của Công ty Dũng Thái Sơn. Tại đây, các quy trình vệ sinh được tuân thủ nghiêm ngặt, sầu riêng được phân loại, thổi sạch bằng hơi áp suất cao trước khi vào vệ sinh tiếp bằng bàn chải.

Đối tác của Dũng Thái Sơn là Công ty TNHH Cung ứng toàn cầu Việt Hải (Tô Châu), Tổng giám đốc của doanh nghiệp này, ông Lâm Long Đức khẳng định, phía Trung Quốc cũng tổ chức đón lô sầu riêng đặc biệt này.

Tại sự kiện này, Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung đã trao chứng thư cho 5 doanh nghiệp đại diện là Dũng Thái Sơn, Vạn Xuân Phát, Chánh Thu, Minh Thiện và CHH.

Trước đó, vào ngày 11/7, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, sự kiện tại Đắk Lắk hôm nay ghi dấu những trái sầu riêng ngon lành của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch, hiện diện trên các kệ hàng, bắt đầu hành trình tự tin chinh phục người tiêu dùng tại thị trường lớn nhất thế giới.

Theo Bộ trưởng, để có được những lô sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch ngày hôm nay, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đã phải chuẩn bị kỹ lưỡng và trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước, đáp ứng được tất cả yêu cầu nghiêm ngặt của phía đối tác.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng khẳng định, lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, không phải đích đến cuối cùng, mà chỉ là những bước bắt đầu cho hành trình phát triển ngành hàng sầu riêng chuyên nghiệp, minh bạch, trách nhiệm, với tất cả các khâu, các quy trình đều được chuẩn hóa.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Đăng bởi Để lại phản hồi

Chuẩn bị chỉn chu nhất cho ngày vui của sầu riêng

Sau khi Bộ NN-PTNT thống nhất thời gian xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang Trung Quốc, các doanh nghiệp đang tất bật chuẩn bị những bước cuối cùng.

Tại Hội nghị triển khai xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc diễn ra ngày 12/9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói rằng việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc là kết quả của “4 năm vất vả, trăn trở”. Ông nhấn mạnh đến việc xây dựng niềm tin cộng đồng trách nhiệm giữa doanh nghiệp với nông dân, dưới sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước để mang lại thương hiệu sầu riêng Việt Nam. 

Đáp lại kỳ vọng của Bộ trưởng, ngay ngày hôm sau, nhiều doanh nghiệp đã có những bước chuẩn bị chu đáo cho sự kiện xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên.

Cắt những quả đầu tiên

Sáng 13/9, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu đã tiến hành thu mua sầu riêng của các thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Lập Đông (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) để chuẩn bị cho lô hàng xuất khẩu đầu tiên sang Trung Quốc.

Trong đợt đánh giá vừa qua, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Lập Đông được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 4 mã vùng trồng với diện tích 49,5ha, sản lượng dự kiến 750 – 850 tấn.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Lập Đông cho biết, khi được cấp mã vùng trồng HTX đã liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Điều này giúp đầu ra ổn định, đưa giá trị của trái sầu riêng lên cao hơn.

“Năm nay giá cao hơn 40 – 50% so với năm ngoái do HTX đã có sự liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Đảm bảo cho trái sầu riêng đã có mã vùng đủ điều kiện để xuất khẩu, HTX đang tăng cường quản lý về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và sinh vật gây hại theo yêu cầu phía nước nhập khẩu”, ông Chiến thông tin.

Vị giám đốc cho biết thêm, định hướng của HTX trong thời gian tới là kết hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật và Trồng trọt để tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về quy trình canh tác sầu riêng bền vững nhằm nâng cao chất lượng trái sầu riêng. Đặc biệt, các ngành sẽ hướng dẫn cho thành viên HTX thực hiện những công việc gì để đáp ứng tốt các yêu cầu của nước nhập khẩu không chỉ riêng thị trường Trung Quốc.

Hơn 10 ngày nay, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, đã trực tiếp có mặt tại các vườn trồng để ổn định tư tưởng, đưa ra những quy tắc để cùng người dân khắc phục những khó khăn.

Bà Thu đã yêu cầu các nhân viên kỹ thuật chọn, cắt những quả sầu riêng đạt chất lượng xuất khẩu để đảm bảo lô hàng đầu tiên được thuận lợi.

Bà Thu cho biết, trước khi chuẩn bị cho lô hàng xuất khẩu đầu tiên, những vùng trồng mà công ty liên kết với các HTX sẽ được giám sát trước đó 1-2 tuần.

Theo bà Thu, việc này nhằm xác định, phân loại được chất lượng vườn sầu riêng như thế nào. Ngoài ra, các vườn sẽ được test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cùng đó, đây là lúc đánh giá lại thời điểm thu hoạch cho người dân, xem vườn nào được cắt trước nhằm đảm bảo quả sầu riêng đủ độ già.

“Những vườn đủ tuổi cắt quả, công ty đã thu hái để phân loại những quả chất lượng nhất cho chuyến hàng đầu tiên. Đây là năm đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch nên người dân chưa quen thu mua như thế nào. Trước đây, người dân bán xô nhưng giờ xuất khẩu chính ngạch bắt buộc phải chọn lựa những quả đạt quy chuẩn. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người dân, công ty quyết định mua xô cho người dân với giá từ 60.000 – 75.000 đồng/kg”, bà Thu nói.

Theo bà Thu, sau khi thu mua, công ty sẽ tiến hành phân loại, làm sao để cho sản phẩm thật tốt, thật chất lượng khi đưa đi xuất khẩu. Công ty sẽ bắt đầu cắt từ hôm nay đối với những vườn đủ tuổi.

“Khu vực HTX Tân Lập Đông liên kết với công ty được cấp 4 mã vùng trồng với sản lượng từ 600 – 700 tấn. Do đó, dự kiến tại Đắk Lắk công ty sẽ xuất khẩu chính ngạch hàng trăm tấn sầu riêng trong mùa vụ năm nay”, bà Thu chia sẻ.

Trọng trách, lo lắng

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết thêm, trong ngày đầu tiên, công ty sẽ cho xuất 40 tấn sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

Theo bà Thu, việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch được công ty chuẩn bị từ lâu. Hiện nay, công ty lo lắng nhưng cũng mong đợi thời điểm lịch sử này. Chính vì lo lắng nên công ty tiến hành kiểm soát chặt những vấn đề mà nghị định thư đã quy định.

“Ngành sầu riêng được công ty triển khai gần 10 năm nay. Năm nào công ty cũng tiến hành xuất khẩu nhưng lần này cảm giác như trách nhiệm rất cao. Hiện nay xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là sự mong đợi của bà con, khách hàng, chính quyền địa phương. Do đó, doanh nghiệp cố gắng làm chỉn chu, chất lượng, ổn định để cho việc thông quan thuận lợi”, Giám đốc Công ty Chánh Thu nói.

Theo nữ giám đốc, việc xuất khẩu sẽ đánh dấu một bước ngoặt phát triển của ngành sầu riêng nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.

“Trước đến nay nhiều loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nhưng lần xuất khẩu này doanh nghiệp cũng lo lắng vì trọng trách của doanh nghiệp lớn với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cho quả sầu riêng. Bởi vì quả sầu riêng có giá trị cao hơn so với những loại trái cây khác. Đây là nhiệm vụ cũng là trọng trách của doanh nghiệp phải mở đường, đi như thế nào, đi cho bền vững và có giá trị”, bà Nguyễn Thị Hồng Thu cho hay.

Ông Lê Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Dũng Thái Sơn, cho biết, hiện việc chuẩn bị cho công hàng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã cơ bản hoàn tất.

Theo ông Tâm, trong đợt đầu tiên công ty đăng ký xuất 10 công tương đương hơn 150 tấn sầu riêng. Hiện công ty đã tổ chức khảo sát những vùng trồng sẽ cắt sầu xuất đi trong đợt đầu tiên.

“Ngày 16/9, công ty sẽ tiến hành cắt quả sơ chế rồi đóng gói theo tiêu chuẩn. Công ty đã hoạt động trong việc xuất khẩu sầu riêng hơn 10 năm nên việc kiểm dịch hàng hóa, chất lượng tại cơ sở đã ổn định. Việc thông quan sẽ được cấp mã kiểm dịch trực tiếp tại buổi lễ. Khi đến cửa khẩu Trung Quốc thì sẽ có đối tác sẽ lo việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp giấy kiểm dịch. Đây là cơ hội cho ngành sầu riêng Việt Nam. Việc xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp tăng giá trị của ngành sầu riêng Việt Nam. Trong đó người hưởng lợi đầu tiên là nông dân”, ông Tâm chia sẻ.

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, cho biết, công tác chuẩn bị cho việc xuất khẩu những lô hàng sầu riêng đầu tiên đang được cơ quan chức năng gấp rút chuẩn bị.

Theo ông Côn, việc xuất khẩu lô hàng đầu tiên vô cùng quan trọng. Do đó, những lô hàng đầu tiên sẽ được cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ tất cả thủ tục.

“Ban đầu chính quyền sẽ tham gia kiểm tra. Đối với những lô hàng sau các doanh nghiệp phải tư tuân thủ những nội dung mà nghị định thư quy định. Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký xin được xuất khẩu trong lần đầu tiên”, ông Côn thông tin.

Liên quan đến việc kiểm soát các mã vùng trồng, cơ sở đóng gói ông Côn cho biết về phía cơ quan nhà nước chỉ tăng cường tuyên truyền, vận động những người trực tiếp được cấp mã vùng, cơ sở đóng gói.

Theo ông Côn hiện nay ngành nông nghiệp không có lực lượng để kiểm tra việc đánh cắp các mã này.

“Xét về lâu dài chính những người được cấp mã số vùng trồng phải trực tiếp bảo vệ tài sản của mình. Ngoài ra sầu riêng cũng như bao nhiêu mặt hàng khác khi đã ra khỏi vườn thì thuộc tầm kiểm soát của Quản lý thị trường, Tổng cục Hải quan. Ngành nông nghiệp chỉ thông qua mạng lưới của đơn vị nắm bắt được thông tin chứ không có lực lượng kiểm tra và chế tài đối với việc doanh nghiệp đánh cắp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói của đơn vị khác”, ông Côn nói thêm.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Đăng bởi Để lại phản hồi

Đắk Lắk đề xuất là tỉnh đầu tiên xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc

Các đơn vị được cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông qua vui mừng vì có thể đưa quả sầu riêng vào thị trường tỷ dân.

Kiểm tra rất kỹ

Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa thông báo cấp 76 mã vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 51 mã số vùng trồng, trong đó Đắk Lắk là đơn vị được cấp nhiều nhất với 23 mã. Đối với các cơ sở đóng gói, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng cấp 25 mã, trong đó Tiền Giang nhiều nhất với 10 mã.

Khi công bố danh sách các đơn vị được phía Trung Quốc cấp mã, các doanh nghiệp phấn khởi vì quả sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia tỷ dân sau thời gian dài chuẩn bị.

Ông Lê Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nông sản Thiện Tâm (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) vui mừng cho biết, sau thời gian dài chuẩn bị và kiểm tra đơn vị đã được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc.

Theo ông Tâm, Trung Quốc hiện nay là thị trường rất khó tính nên việc cấp mã số xuất khẩu họ làm rất kỹ. Để được kiểm tra đơn vị đã thiết lập các hồ sơ cấp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói cho phía Trung Quốc thông qua.

Vị giám đốc cho biết thêm, việc cấp mã là một trong những bước để được xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Để được cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói đơn vị đã chuẩn bị mọi thứ từ cơ sở hạ tầng, vườn trồng… trong nhiều tháng nay. 

Hiện nay, công ty đang triển khai mở rộng mã vùng trồng cho một số địa phương của tỉnh Đắk Lắk như huyện Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắk… Công ty phấn đấu đạt từ 6.000 đến 7.000 ha sầu riêng đủ tiêu chuẩn làm mã cơ sở đóng gói để bảo đảm các điều kiện xuất khẩu đi Trung Quốc.

“Doanh nghiệp hy vọng việc cấp mã sẽ kịp với mùa vụ sầu riêng của Đắk Lắk để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong đợt này”, ông Tâm nói.

Còn ông Nguyễn Đình Kiên, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nông sản CHH Việt Nam (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) cho biết, doanh nghiệp được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp một mã đóng gói.

“Kế hoạch giữa công ty và đối tác phía Trung Quốc đã sẵn sàng mọi thủ tục. Bây giờ công ty chỉ chờ giữa Việt Nam và Trung Quốc thống nhất lại lần cuối để cấp mã số cho các chuyến hàng để xuất khẩu. Nếu được cấp mã số các chuyến hàng thì phía công ty sẽ tiến hành xuất khẩu luôn”, ông Kiên thông tin.

Theo ông Kiên, việc xuất khẩu sầu riêng là kỳ vọng cũng như ước mơ của người nông dân và cơ quan chức năng nhiều năm nay. Bây giờ, phía Trung Quốc đã có thông tin chính thức thì đây là việc tốt và mở cho ngành sầu riêng của Việt Nam. Khi xuất khẩu chính ngạch, người nông dân sẽ được hưởng lợi đầu tiên vì giá cả tăng. Còn việc tăng bao nhiêu thì phụ thuộc vào thị trường và mùa vụ giữa 2 bên.

“Việc xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp sầu riêng Việt Nam cạnh tranh với các quốc gia khác và đặc biệt là nâng cao vị thế của chúng ta. Ngoài ra, xuất khẩu chính ngạch sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn cho người dân, doanh nghiệp”, ông Kiên chia sẻ.

Thất vọng nhưng sẽ chuẩn bị tốt cho đợt cấp mã tới

Ngoài các đơn vị được cấp mã vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói thì nhiều trường hợp khác dù đề xuất nhưng không được phía Trung Quốc thông qua. Việc không được cấp mã gây nhiều thất vọng nhưng các đơn vị này cho biết sẽ chuẩn bị kỹ cho đợt kiểm tra trong thời gian tới.

Ông Phạm Đức Cảnh, HTX Tâm Hồng Phúc (Đăk Nông) cho biết, HTX có 15,5ha sầu riêng làm hồ sơ đề xuất cấp mã vùng trồng trong đợt vừa qua.

Theo ông Cảnh, HTX thiết lập hồ sơ, chuẩn bị các yêu cầu phía Trung Quốc đưa ra. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sau khi đánh giá trực truyến đã không thông qua, cấp mã số cho đơn vị.

“Khi thiết lập hồ sơ, phía Trung Quốc đã tổ chức kiểm tra trực tuyến, trao đổi các thủ tục. Nhưng đến nay HTX vẫn chưa nhận được thông báo vì sao không đạt. Lâu nay HTX đã tổ chức sản xuất theo quy trình để phía Trung Quốc cấp mã vùng trồng nhằm nâng cao giá bán.

Tuy nhiên, HTX không được cấp mã vùng trồng trong đợt này thì sẽ chuẩn bị tốt cho đợt tới. Đợt đầu phía Trung Quốc đánh giá khắt khe và chọn những đơn vị có quy mô lớn. Đợt sau thì không rõ như thế nào nhưng đơn vị sẽ cố gắng”, ông Cảnh nói và cho biết HTX chưa nắm được thông báo đơn vị thiếu hay yếu những gì mà chưa đạt.

Theo ông Cảnh, nếu HTX nắm được thông tin không đạt ở khâu nào thì trong đợt cấp mã tới HTX sẽ chuẩn bị tốt hơn. Đặc biệt, HTX đã trải qua một lần đánh giá nên có kinh nghiệm trong việc thiết lập hồ sơ.

Tương tự, ông Bùi Phú Tôn, chủ hộ Bùi Phú Tôn (xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông) cũng xây dựng hồ sơ đăng ký cấp mã vùng trồng cho 30ha của gia đình. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã không cấp mã vùng trồng cho gia đình ông Tôn trong đợt vừa qua.

Ông Bùi Phú Tôn cho biết, việc không được cấp mã lần này gia đình cũng hơi thất vọng. “Mình kinh doanh mà không xuất khẩu được trong đợt này thì mất cơ hội. Tuy nhiên đợt này không đạt thì sẽ tiếp tục chuẩn bị hồ sơ cho đợt cấp mã tới. Với kinh nghiệm trong đợt kiểm tra vừa qua, tôi hy vọng sẽ được phía Trung Quốc cấp mã”, ông Tôn nói.

Theo ông Tôn để được phía Trung Quốc kiểm tra, gia đình đã chuẩn bị 3-4 tháng từ khâu thiết lập hồ sơ, vùng trồng. Khi kiểm tra trực tuyến, phía Trung Quốc cũng không thông báo là gia đình thiếu hay không đạt gì.

“Làm ăn kinh doanh nếu không được đợt này thì sẽ làm tiếp đợt sau. Ai cũng muốn được cấp mã để xuất khẩu nhưng không được thì đành chấp nhận”, ông Tôn nói.

Ông Lê Văn Thành, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk) cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 23 mã vùng trồng và 4 mã cơ sở đóng gói cho các đơn vị trên địa bàn. Theo ông Thành, Đắk Lắk là địa phương được cấp mã số vùng trồng nhiều nhất cả nước trong đợt này.

Sau khi nắm thông tin, Sở NN-PTNT đã họp để có văn bản đề xuất Bộ NN-PTNT cho Đắk Lắk là đơn vị xuất khẩu đầu tiên sầu riêng bằng được chính ngạch sang Trung Quốc.

“Đắk Lắk đề xuất nhưng phải đợi Bộ NN-PTNT đồng ý thì khi đó địa phương mới xây dựng kế hoạch. Trong thời gian chờ bộ phê duyệt, Chi cục và Sở đã chủ động làm việc với huyện Krông Pắc để thống nhất một số nội dung. Trong những ngày tới, huyện Krông Pắc, Chi cục sẽ họp với 4 doanh nghiệp được cấp mã để thống nhất các nội dung, chọn đơn vị xuất khẩu đầu tiên”, ông Thành thông tin.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Đăng bởi Để lại phản hồi

Vùng trồng sầu riêng Đắk Lắk được Hải quan Trung Quốc đánh giá cao

Các vùng sầu riêng tại Đắk Lắk đã được Hải quan Trung Quốc kiểm tra, đánh giá tốt, doanh nghiệp nóng lòng chờ ngày đưa trái sầu riêng đầu tiên sang đất nước tỷ dân.

Đã kiểm tra đánh giá trực tuyến xong 25 vùng trồng sầu riêng 

Vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và Cục Bảo vệ thực Việt Nam đã tổ chức đánh giá trực tuyến đối với 25 vùng trồng sầu riêng của HTX Cây ăn trái Krông Pắc liên kết với Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn.

Ông Võ Ngọc Huy, Phó Giám đốc HTX Cây ăn trái Krông Pắc cho biết, đến nay phía Trung Quốc đã kiểm tra xong mã vùng trồng và đang đợi công bố kết quả. Theo ông Huy, HTX đã được kiểm tra với diện tích hơn 600ha, sản lượng ước đạt hơn 1.000 tấn.

Để công việc kiểm tra được thuận lợi hơn, những ngày này phía HTX đã phải chuẩn bị nhiều công việc khác nhau. Công tác kiểm tra nhiều cái HTX cũng bị động như tài liệu, một số yêu cầu từ phía GACC nhưng đơn vị đã cơ bản hoàn thành.

Để chuẩn bị cho việc kiểm tra, Cục Bảo vệ thực vật đã hỗ trợ HTX một số vấn đề trong khâu quy trình sản xuất. Quy trình 5K, người dân ra vào canh tác phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Ngoài ra, HTX cũng phải tuân thủ hồ sơ ghi chép, nhật ký canh tác theo yêu cầu từ phía Trung Quốc.

“Trong lúc kiểm tra thì công tác chuẩn bị, di chuyển giữa các vườn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là đường truyền tại các vườn, phải làm sao đảm bảo được mạng kết nối với phía Trung Quốc. Đến nay, phía Trung Quốc kiểm tra xong HTX đang đợi để đưa những quả sầu riêng đầu tiên đi đường chính ngạch”, ông Huy chia sẻ.

vùng trồng sầu riêng Đắk Lắk
Các thành viên HTX Cây ăn trái Krông Pắc phối hợp với phía Trung Quốc kiểm tra vườn sầu riêng. Ảnh: Quang Yên.

Cũng theo ông Huy, qua kiểm tra, nhân viên GACC đánh giá các vườn sầu riêng của HTX trái nhiều, to, tròn. Đặc biệt, các vườn sầu riêng của HTX đều đảm bảo về tiêu chí môi trường.

“HTX mong muốn có đầu ra ổn định. Để làm được việc này phải xây dựng được quy trình sản xuất đạt chuẩn. Đặc biệt trong thời gian này HTX mong muốn phía Trung Quốc nhanh chóng cấp mã vùng trồng và công bố những đơn vị nào được xuất khẩu chính ngạch vì năm ngoái đơn vị cũng đã được phía Trung Quốc đánh giá. Nếu GACC không sớm cấp mã vùng trồng và doanh nghiệp được xuất khẩu sẽ trễ niên vụ 2022. Nếu vậy HTX cũng như doanh nghiệp liên kết sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Huy thông tin.

Là doanh nghiệp liên kết với HTX để xây dựng các vùng nguyên liệu xuất khẩu, Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn cùng HTX đã chuẩn bị cho thời điểm lịch sử này từ năm 2020.

Công ty đã tổ chức tập huấn về công tác phòng ngừa Covid-19, tập huấn quy trình kỹ thuật, về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), cũng như tập huấn cho bà con về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên vườn sầu riêng. Các vườn trồng phải luôn tuân thủ theo quy trình sản xuất của HTX cũng như Công ty ban hành.

Các bẫy sâu bệnh hại trên cây sầu riêng được phía Trung Quốc quan tâm. Ảnh: Quang Yên.

Ông Lê Anh Trung, Giám đốc vùng nguyên liệu Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn cho biết, do Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách Zero Covid nên GACC rất chú trọng về vấn đề công tác quản lý phòng ngừa dịch bệnh tại vườn trồng. Đặc biệt, các biện pháp xử lý, phòng ngừa quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên vườn trồng, công tác kiểm dịch thực vật, đánh giá tồn dư thuốc bảo vệ thực vật của sản phẩm nông nghiệp.

Trong đó, phía GACC tập trung các câu hỏi liên quan đến kiểm tra, điều tra phát hiện sinh vật gây hại (SVGH) định kỳ, ghi chép các loài sinh vật gây hại phát hiện và xử lý. Thực hiện biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Sử dụng bẫy ruồi đục quả, các bố trí, kết quả bẫy và có bao trái không. Lưu hồ sơ kiểm soát SVGH… Đến nay GACC đã cơ bản kiểm tra xong vùng trồng, cơ sở đóng gói nhưng để đưa được quả sầu riêng đi đường chính ngạch vào nước này còn nhiều khó khăn.

“Dũng Thái Sơn là một trong những doanh nghiệp từng được phía Trung Quốc kiểm tra đủ điều kiện xuất khẩu sầu riêng chính ngạch. Tuy nhiên, đến nay phía Trung Quốc vẫn chưa cho thí điểm xuất khẩu nên gây nhiều khó khăn, nhất là khi người dân tin tưởng phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện các yêu cầu do phía Trung Quốc đưa ra. Việc chậm trễ này nếu kéo dài dễ khiến người dân mất lòng tin vào doanh nghiệp, chính quyền. Do đó, chúng tôi đề xuất Bộ NN-PTNT đề nghị phía Trung Quốc sớm cho các doanh nghiệp đạt yêu cầu thí điểm xuất khẩu sầu riêng qua nước này”, ông Lê Anh Trung.

Chờ Trung Quốc công bố danh sách

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk, phía GACC đã kiểm tra trực tuyến 38 mã vùng trồng sầu riêng và 6 cơ sở đóng gói của địa phương trong gần 15 ngày. Tổng diện tích được kiểm tra là 1.500ha.

Để chuẩn bị cho việc kiểm tra quy mô lớn này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX chuẩn bị hồ sơ để phía Trung Quốc kiểm tra trực tuyến theo các quy định về quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng; Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói và các quy định tại Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Phía Trung Quốc kiểm tra HTX Cây ăn trái Krông Pắc. Ảnh: Quang Yên.

Qua các buổi kiểm tra trực tuyến của phía Trung Quốc bước đầu cho thấy các doanh nghiệp, HTX vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên kết quả phải chờ thông tin từ Tổng cục Hải Quan Trung Quốc công bố.

“Một số doanh nghiệp, HTX mà GACC đã kiểm tra trực tuyến đợt trước thì không kiểm tra lại. Toàn bộ vùng trồng và cơ sở đóng gói kiểm tra đợt này đều là các vùng trồng và cơ sở đóng gói mới thiết lập. Đơn vị đã hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX hoàn thiện về quy trình thiết lập vùng trồng, quy trình thiết lập cơ sở đóng gói theo các Tiêu chuẩn của Cục Bảo vệ thực vật và Nghị định thư. Trong thời gian tới Chi cục tiếp tục phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, chính quyền địa phương giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được GACC kiểm tra để các vùng trồng, cơ sở đóng gói luôn đảm bảo các tiêu chí theo quy định của nước nhập khẩu”. Ông Lê Văn Thành, Chi Cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đăk Lăk cho biết.

Các doanh nghiệp sẵn sàng đưa quả sầu riêng sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch. Ảnh: Quang Yên.

Vị Chi cục trưởng cho biết thêm, Đắk Lắk là địa phương có diện tích lớn nhất được GACC kiểm tra trong đợt này. Để chuẩn bị cho việc kiểm tra, hơn một năm trước, Đắk Lắk đã mời các chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật vào địa phương hướng dẫn.

“Quá trình kiểm tra GACC luôn quan tâm đến phòng chống dịch Covid-19, vệ sinh an toàn thực phẩm và sâu bệnh hại. Về lâu dài, khi Trung Quốc đồng ý cho sầu riêng đi chính ngạch thì cả một khối lượng công việc rất lớn. Do đó, để việc xuất khẩu được lâu dài thì cần quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân trong việc kiểm soát vùng trồng, sâu bệnh hại…

Đây là lần đầu tiên Đăk Lăk được kiểm tra diện tích vùng trồng lớn như thế nên cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng đến nay các mã vùng đăng ký đã kiểm tra xong và chờ phía Trung Quốc công bố danh sách những đơn vị đạt yêu cầu”, ông Thành chia sẻ.

Theo ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắk Lắk, năm 2021 địa phương đăng ký xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc 3 loại là sầu riêng, chanh leo và khoai lang tím Nhật. Địa phương có hơn 1.000ha chanh leo. Hiện loại trái cây này đã được cho xuất khẩu thí điểm qua 7 cửa khẩu. Tuy nhiên, thời gian này Đắk Lắk đang bước vào thời điểm thu hoạch sầu riêng do đó địa phương ưu tiên cho mặt hàng này. Sau khi xong sầu riêng, thời gian tới Chi cục sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn, quy trình để xuất khẩu chanh leo cho doanh nghiệp, HTX, người dân.

Đăng bởi Để lại phản hồi

Chương trình ưu đãi mừng Đại lễ Quốc khánh 02/09

Kính gửi Quý khách hàng!

Cảm ơn Quý khách hàng đã luôn tin tưởng và đồng hành cùng WAO trong suốt thời gian qua.

Nhân dịp Đại lễ Quốc khánh 02/09, Công ty Công nghệ sinh học WAO xin trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi “Mua hàng tự do – Không lo về giá”.

Chi tiết chương trình như sau:

  • Tặng phiếu mua hàng trị giá 90.000đ khi mua đơn hàng >= 200.000đ (lớn hơn hoặc bằng hai trăm nghìn đồng). Phiếu mua hàng áp dụng cho sản phẩm phân bón lá A4 dạng gói.
  • Tặng phiếu mua hàng trị giá 2.000.000đ khi mua đơn hàng >= 9.000.000đ (lớn hơn hoặc bằng chín triệu đồng). Phiếu mua hàng áp dụng cho tất cả các sản phẩm của WAO.
  • Tặng 2 sản phẩm tương đương khi mua 9 sản phẩm có giá trị đơn >= 2.000.000đ (lớn hơn hoặc bằng hai triệu đồng).

Chương trình “Mua hàng tự do – Không lo về giá” diễn ra từ ngày 27/08/2022 đến ngày 03/09/2022.

Chương trình ưu đãi được áp dụng cho tất cả các đơn hàng phát sinh trong thời gian diễn ra chương trình.

Quý khách có thể đặt hàng trực tiếp tại đây 👉 Siêu thị WAO

Hoặc gọi đến hotline: 0978.497.345 để được hỗ trợ lên đơn hàng nhanh nhất.

Nếu Quý khách cần tư vấn thêm về chương trình vui lòng gọi đến hotline:  02393.845.888 / 0978.497.345 hoặc để lại thông tin theo form dưới để được hỗ trợ miễn phí!

Đăng bởi Để lại phản hồi

Chuyện lão nông trồng bưởi thuận thiên

Ủ cá tươi hoặc đậu tương để làm phân bón cho cây bưởi, gác cuốc rồi giao việc cày xới cho… giun đất. Những cách làm “khác người” này của lão nông Phan Văn Tùng ở Hương Khê (Hà Tĩnh) không ngoài khao khát nâng cao chất lượng đệ nhất danh quả – bưởi Phúc Trạch.

Ngàn đời nay, sông Ngàn Sâu từ đại ngàn Hương Khê vẫn cần mẫn chuyên chở phù sa về bồi lắng, tạo nên một miền hoa trái tốt tươi, trong đó có đặc sản bưởi Phúc Trạch nức tiếng gần xa. Thế nhưng, tình trạng cực đoan của biến đổi khí hậu và sự xuất hiện của các loại sâu, bệnh khiến người dân phải sử dụng lượng lớn phân bón vô cơ và thuốc hóa học để đảm bảo năng suất. Việc sử dụng không đúng kỹ thuật, thậm chí lạm dụng quá mức đã dẫn đến chất lượng nông sản bị ảnh hưởng.

Để “hồi sinh” thương hiệu đặc sản, nhiều nông dân đã nghĩ đến phương pháp canh tác hữu cơ và cao hơn là làm nông nghiệp “thuận thiên” – nghĩa là ứng dụng khoa học để trồng cây thuận theo quy luật tự nhiên nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng.

Ông Phan Văn Tùng (SN 1948) là nông dân thôn 4, xã Hương Thủy. Như bao người nông dân miền núi Hương Khê, ông Tùng gắn bó gần cả đời người với cây lúa, cây khoai. Đến khi 65 tuổi (năm 2014), ông gác tất cả việc đồng áng để về chăm vườn, trồng bưởi Phúc Trạch. Khu vườn rộng hơn 1 ha nhanh chóng được phủ kín bằng 200 gốc bưởi thay thế cho những cây tạp, cỏ dại trước đó.

Bắt đầu trồng bưởi khi tuổi đã cao, sức khỏe giảm, ông Tùng sợ nhất là việc phun thuốc hóa học để phòng trừ sâu, bệnh hại. Từ đó, ông luôn đau đáu nghĩ đến việc tìm phương pháp canh tác khác với truyền thống lâu nay.

Ông Tùng kể: Thời điểm đó, bưởi Phúc Trạch sau thời gian dài mất mùa khiến người dân chán nản, khi tiếp cận khoa học để khôi phục năng suất thì chất lượng quả lại không đồng đều. Mỗi người dân chúng tôi đều cảm thấy cây bưởi của địa phương không còn ngon như trước. Tôi đã dành nhiều thời gian hơn để đọc sách và nghiên cứu tài liệu sản xuất nông nghiệp. Quan điểm của tôi là phải trồng được cây bưởi ngon và an toàn nên đã đăng ký tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi ở địa phương. Thậm chí những lớp không mời, tôi cũng chủ động xin vào học hoặc tự vào lớp để “nghe lén”.

Sau quá trình dài học hỏi và tìm hiểu, ông Tùng tự đúc kết cho bản thân những phương pháp chăm bón riêng. Trong đó, nguyên tắc chung là không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ dùng phân hữu cơ, thuốc vi sinh. Tuy nhiên, kiến thức về nông nghiệp hữu cơ tưởng đơn giản nhưng thực chất khá phức tạp do ông chưa có những tư liệu cụ thể và kinh nghiệm thực tiễn. Bên cạnh đó, sản phẩm vi sinh, hữu cơ đầy rẫy trên thị trường cũng khiến người nông dân như lạc vào… ma trận.

Tình cờ, ông Tùng được gặp cán bộ kỹ thuật Công ty Công nghệ sinh học WAO (TP Hà Tĩnh) và đồng ý tham gia chương trình WAO đồng hành của doanh nghiệp. Đây là dự án hỗ trợ nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp thuận tự nhiên.

“Tôi có thêm những người bạn đồng hành. Họ chuyển giao tất cả quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây bưởi cho chúng tôi. Những kiến thức đó giúp tôi cảm thấy mình làm nông nghiệp chuyên nghiệp hơn. Năm 2018, khi vườn bưởi bắt đầu ra quả bói, tôi tự tin mình đủ kiến thức để hoàn toàn chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ”.

Kể từ thời điểm đó, gần như tôi treo cuốc rồi “phó mặc” cho con giun làm đất tơi xốp hơn. Tôi cũng không còn mua phân bón vô cơ hay thuốc bảo vệ thực vật. Quá trình này khá gian nan khi chi phí hằng năm cao hơn trước đó khoảng 20%, còn công sức bỏ ra thì lớn hơn rất nhiều lần. Ví dụ như việc bón phân vô cơ thì chỉ cần bón vài nắm trong tay, còn phân hữu cơ thì phải qua quá trình ủ rồi vận chuyển đến các vùng sản xuất nên khá vất vả vì cần phải bón với khối lượng lớn” – ông Tùng phân tích.

“Làm nông nghiệp thuận thiên là phải sản xuất đa canh, tạo đa dạng sinh học để hạn chế sâu bệnh. Khác với trước là vườn cây luôn phải cuốc cỏ nhẵn bóng thì ông nuôi cỏ dại và trồng một số cây rau màu dưới tán bưởi. Mục đích không chỉ tạo ra sự đa dạng cây trồng mà còn để giữ ẩm tốt hơn và chống xói mòn. Ngoài ra, tôi còn trồng xen cây mía, trồng chuối, nuôi gà, nuôi ong… để tạo đa dạng sinh học và cải thiện thu nhập”, ông Tùng không ngại chia sẻ “bí kíp”.

“Để phòng trừ sâu hại, bên cạnh sử dụng các chế phẩm sinh học, chúng tôi nuôi kiến để tạo thiên địch (vì kiến ăn sâu) hoặc dùng bã sinh học để bẫy. Đặc biệt, để thay thế phân bón vô cơ, tôi mua cá (phế phẩm từ cá) hoặc đậu tương rồi ủ cùng với men vi sinh để bón bổ sung cho cây bưởi.

Ngoài việc mua phân từ bên ngoài, tôi còn tận dụng cỏ trong vườn nuôi thêm 7 con bò và 20 con dê để chủ động nguồn phân bón hữu cơ tại chỗ. Chất thải từ chăn nuôi bò, gà là thức ăn của cây bưởi và cỏ. Ngược lại, cỏ là thức ăn cho bò và gà. Đó là nông nghiệp thuận thiên, nông nghiệp tuần hoàn. Tính ra, trồng bưởi hữu cơ không tốn chi phí, thậm chí còn có thêm thu nhập từ các cây, con khác. Thú vị là vậy” – ông Tùng phấn khởi nói.

Ông Đoàn Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học WAO cho biết, đơn vị hiện có khoảng 6.000 khách hàng, đối tác, trong đó chỉ có 0,1% số khách hàng đạt tiêu chuẩn Wao đồng hành. Tại Hà Tĩnh, ông Tùng là hộ duy nhất có sản phẩm chất lượng đạt các tiêu chí nông nghiệp hữu cơ do doanh nghiệp xây dựng – dựa trên các tài liệu nông nghiệp hữu cơ trong nước và trên thế giới. Từ năm 2021, chúng tôi đã cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nhà vườn ông Tùng với mức giá cao hơn mặt bằng thị trường. Đích phấn đấu của chúng tôi là cùng với ông Tùng tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn Organic (sẽ tiến hành giám định chất lượng sản phẩm qua các đơn vị đủ chức năng) và hướng tới xuất khẩu.

Khi cây bưởi được chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ, sản lượng cũng sẽ tăng theo thời gian. Đơn cử như năm 2020, trong thời gian đầu chuyển đổi, năng suất vườn bưởi của gia đình ông Tùng đạt khoảng 5.000 quả/mùa; năm 2021, số quả trong vườn tăng lên 7.000 quả/mùa.

Mùa bưởi năm nay, vườn đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay với khoảng 10.000 quả. Những ngày tới, gia đình ông Tùng sẽ bận rộn hơn rất nhiều khi bưởi đến mùa thu hoạch. Nhưng những ngày tất bật đó sẽ hứa hẹn đầy ắp niềm vui khi tất cả sản phẩm đã được cam kết thu mua, dự kiến mang về thu nhập cho gia đình trên 300 triệu đồng.

Không chỉ phấn khởi về khoản thu nhập cao mà ông Tùng còn hạnh phúc hơn khi đã mang đến cho người tiêu dùng thứ đặc sản của quê hương – là những quả bưởi Phúc Trạch mang giá trị tuyệt đối.

Đăng bởi Để lại phản hồi

Yêu cầu chung đối với vùng trồng xuất khẩu

Hiện nay, nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc và các nước khác yêu cầu khắt khe hơn về tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Để thuận lợi cho địa phương, các tổ chức, cá nhân xuất khẩu các loại trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản hướng dẫn thiết lập vùng trồng và trình tự thủ tục đăng ký cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói với các nội dung như sau.

Để lại thông tin để nhận trọn bộ Tài liệu tập huấn xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, nông sản. Yêu cầu cụ thể đối với vùng trồng – cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc


    Đăng bởi Để lại phản hồi

    Yêu cầu cụ thể đối với cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc

    Từ ngày 11-7, quả sầu riêng Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu nhập khẩu trái cây của Trung Quốc.

    Đáng lưu ý, tất cả các vùng trồng, các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT và được cả Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Những lô hàng sầu riêng không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.

    Để lại thông tin để nhận trọn bộ Tài liệu tập huấn xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, nông sản. Yêu cầu cụ thể đối với vùng trồng – cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc:


      Đăng bởi Để lại phản hồi

      Quy trình cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói (hướng dẫn chi tiết)

      Mã số vùng trồng là tiêu chuẩn cơ sở để doanh nghiệp có thể xuất khẩu hàng hóa nông sản của mình. Mục đích chính của nó là kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại đến vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản

      Để các loại trái cây, nông sản của Việt Nam trong đó có sầu riêng xuất khẩu được sang Trung Quốc cần phải đăng ký mã số vùng trồng.

      Đọc tiếp:

      Để lại thông tin để nhận trọn bộ Tài liệu tập huấn xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, nông sản. Yêu cầu cụ thể đối với vùng trồng – cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc:


        Đăng bởi Để lại phản hồi

        Sản xuất sầu riêng chất lượng cao để xuất khẩu qua Trung Quốc

        Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) và người dân, hợp tác xã đã tổ chức làm sầu riêng chất lượng cao, chờ ngày xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc.

        Làm sầu GAP hướng hữu cơ

        Tại thị trấn Đạ M’Ri (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng), gia đình ông Lê Quang Thuyên đang phát triển khu vườn sầu riêng với 100 gốc sầu riêng Thái và 70 gốc sầu riêng Ri6. Toàn bộ sầu riêng cho thu hoạch năm thứ 4 và mỗi vụ gia đình thu về đều đặn trên 20 tấn trái.

        Ông Lê Quang Thuyên chia sẻ: “Những năm gần đây, gia đình sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP hướng nông nghiệp hữu cơ. Cỏ ở nền vườn chúng tôi không phun thuốc diệt trừ như trước đây mà duy trì để tạo độ ẩm và tạo môi trường cho vi sinh vật phát triển. Trường hợp cỏ quá tốt thì chúng tôi sử dụng máy để cắt bỏ phần ngọn”.

        Cũng theo ông Lê Quang Thuyên, hiện nay, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà gia đình ông áp dụng vào sản xuất đều là những loại nằm trong danh mục cho phép. Đặc biệt, gia đình đang chuyển dần sang các loại phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học để bảo vệ cây trồng.

        Huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) có khoảng 4.500ha sầu riêng, trong đó 2.000ha đang cho kinh doanh. Ảnh: Minh Hậu.
        Huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) có khoảng 4.500ha sầu riêng, trong đó 2.000ha đang cho kinh doanh. Ảnh: Minh Hậu.

        Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Xuân Điệp (ngụ thôn 1, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai) trồng sầu riêng từ năm 1997 với tổng diện tích 3ha (xen măng cụt). Theo ông Nguyễn Xuân Điệp, mỗi năm gia đình thu về khoảng 40-50 tấn sầu riêng và bán cho các thương lái để xuất khẩu qua Trung Quốc.

        Để đảm bảo sản phẩm sầu riêng chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, gia đình ông tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP từ năm 2016. Hiện nay, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đón đầu việc xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc, gia đình ông Điệp tiếp tục duy trì sản xuất VietGAP và theo hướng hữu cơ.    

        Cũng tại thị trấn Đạ M’Ri, Hợp tác xã Nông nghiệp Đạ M’Ri là một trong những tổ chức nông dân sản xuất sầu riêng lớn nhất của huyện Đạ Huoai. Hiện nay, Hợp tác xã này có khoảng 80 thành viên với tổng diện tích sầu riêng khoảng 150ha. Trong số 150ha này có 80ha đang cho thu hoạch còn lại đang ở giai đoạn kiến thiết cơ bản. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Đạ M’Ri, sản lượng sầu riêng của hợp tác xã đạt khoảng trên 800 tấn/năm và nguồn sản phẩm lớn này chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch.

        Theo Phòng NN-PTNT huyện Đạ Huoai, toàn huyện hiện có 800ha sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobaGAP. Ảnh: Minh Hậu.
        Theo Phòng NN-PTNT huyện Đạ Huoai, toàn huyện hiện có 800ha sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobaGAP. Ảnh: Minh Hậu.

        Những năm gần đây, dù xuất khẩu tiểu ngạch qua thị trường Trung Quốc nhưng việc sản xuất sầu riêng luôn được Hợp tác xã Đạ M’Ri thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP hướng hữu cơ. Theo đó, các thành viên sản xuất phải tổ chức không gian trồng trọt theo đúng tiêu chuẩn, xây dựng các nhà kho, khu chứa vật tư nông nghiệp và phải xây dựng khu xử lý chất thải, phế phẩm…

        Việc sản xuất phải được ghi nhật ký và các thông số về lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều phải tuân thủ quy trình đặt ra. Đặc biệt phải thực hiện các biện pháp kiểm tra và giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thường xuyên. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Đạ M’Ri cho hay: “Hiện nay, quy trình sản xuất sầu riêng của hợp tác xã đều đã ổn định và chất lượng sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hướng đến sản xuất hữu cơ để tiếp cận thị trường”.

        Rốt ráo đăng ký mã số vùng trồng

        Theo Phòng NN-PTNT huyện Đạ Huoai, hiện nay, diện tích sầu riêng của toàn huyện ở vào khoảng 4.500ha và chủ yếu canh tác tập trung. Trong số 4.500 ha này có khoảng 2.000ha diện tích đang cho kinh doanh và hầu hết diện tích kinh doanh đều được sản xuất tốt, đủ tiêu chuẩn về chất lượng để xuất khẩu. Tồn tại lớn nhất hiện nay là vấn đề mã số vùng trồng chưa được cấp nên ngành nông nghiệp huyện Đạ Huoai đã và đang khảo sát và đề nghị Sở NN-PTNT Lâm Đồng, Cục Bảo vệ thực vật xem xét, sớm cấp mã số vùng trồng để hoàn thiện quy trình cho xuất khẩu.

        Sầu riêng là cây trồng chủ lực của huyện Đạ Huoai và sản lượng hàng năm đạt 25.000 – 30.000 tấn. Ảnh: Minh Hậu.
        Sầu riêng là cây trồng chủ lực của huyện Đạ Huoai và sản lượng hàng năm đạt 25.000 – 30.000 tấn. Ảnh: Minh Hậu.

        Ông Nguyễn Xuân Điệp (ngụ thôn 1, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai) cho hay, vấn đề mã số vùng trồng quan trọng cho việc xuất khẩu nên thời gian qua, gia đình đã tham gia vào tổ hợp tác sản xuất sầu riêng tại địa phương để làm các thủ tục xin cấp mã số vùng trồng.

        “Ngành nông nghiệp đã tổ chức khảo sát và hướng dẫn chúng tôi thực hiện các thủ tục cần thiết. Hy vọng mọi việc thuận lợi để chúng tôi được cấp mã số vùng trồng trong thời gian tới”, ông Nguyễn Xuân Điệp nói. Tương tự, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Đạ M’Ri cũng tiến hành thực hiện các thủ tục để xin cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng của hợp tác xã. Theo ông Sơn, đây là tiêu chí cuối cùng để sầu riêng của hợp tác xã xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc.

        Ông Phạm Quang Chiến, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) cho biết, trong 2 năm vừa qua, huyện đã triển khai các bước để đảm bảo nguồn hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc. Cụ thể là ngành nông nghiệp đã hỗ trợ các hộ nông dân, các hợp tác xã tổ chức sản xuất sầu riêng theo các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt như sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP và sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đặc biệt ngành nông nghiệp huyện tiến hành làm các thủ tục cấp mã số vùng trồng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con sản xuất kinh doanh sầu riêng.

        Cũng theo ông Chiến, Trung Quốc là thị trường lớn và khi thị trường này mở cửa nhập khẩu sầu riêng chính ngạch thì sẽ là điểm khởi đầu thuận lợi đối với sầu riêng Đạ Huoai nói riêng và sầu riêng cả nước nói chung. Khi được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, thương lái và các đơn vị thu mua sẽ có những hợp đồng bao tiêu đối với bà con nông dân, hợp tác xã ở địa phương một cách chắc chắn. Việc này sẽ giúp người dân ổn định sản xuất và việc quy hoạch, tổ chức sản xuất cây sầu riêng cũng trở nên thuận lợi hơn.

        Trong những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Đạ Huoai khuyến cáo và hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để tiếp cận thị trường. Ảnh: Minh Hậu.
        Trong những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Đạ Huoai khuyến cáo và hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để tiếp cận thị trường. Ảnh: Minh Hậu.

        “Ngành nông nghiệp huyện đang vận động bà con, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục kê khai, thủ tục theo trình tự đăng ký mã số vùng trồng. Đối với các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, chúng tôi khuyến cáo người dân tham gia hoặc thành lập các tổ hợp tác để tiện đăng ký mã số vùng trồng”, ông Phạm Quang Chiến nói và cho biết thêm, vấn đề cấp mã số vùng trồng gặp nhiều vướng mắc nên thời gian qua, UBND huyện Đạ Huoai đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Hiện tại, ngành nông nghiệp huyện Đạ Huoai đã hoàn thiện một số hồ sơ và đã gửi ra Cục Bảo vệ thực vật xem xét để cấp mã số vùng trồng.

        Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

        Đọc tiếp:

        Để lại thông tin để nhận trọn bộ Tài liệu tập huấn xuất khẩu sầu riêng, chanh leo, nông sản. Yêu cầu cụ thể đối với vùng trồng – cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc: