Đăng bởi Để lại phản hồi

Top 3 loại sâu bệnh hại cây khoai sọ phổ biến nhất

Khoai sọ là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Hiệu quả kinh tế của vụ trồng khoai sọ được đánh giá thông qua sản lượng thu hoạch và chất lượng củ. Người trồng khoai sọ nếu muốn đạt được hiệu quả kinh tế cao, ngoài việc nắm được kỹ thuật trồng còn cần nắm vững kiến thức về sâu bệnh hại trên cây khoai sọ.

1. Bệnh sương mai hại khoai sọ

Tác nhân gây bệnh:

Bệnh do nấm thuộc loài Phytophthora Colocasiae Racib gây hại.

Triệu chứng bệnh:

Ban đầu vết bệnh là những đốm nhỏ hình tròn màu xanh nhợt nhạt; các vết này sẽ lan rộng ra theo hình tròn và hình thành các điểm chết hoại màu nâu với những viền đồng tâm. 1-2 ngày sau khi nhiễm bệnh, các vết này sẽ có hiện tượng chảy gôm quanh các viền của vết bệnh. Theo thời gian các giọt gôm này sẽ khô lại thành những giọt màu nâu nằm rải rác ở cả 2 mặt của vết bệnh.

Triệu chứng bệnh sương mai gây hại khoai sọ
Triệu chứng bệnh sương mai gây hại

Các vết bệnh phát triển lan rộng tạo ra các đám hoại tử lớn. Chúng có thể hợp nhất với nhau làm lá rách hoặc giòn dễ mục nát.

Nấm sương mai sẽ làm cháy lá, ảnh hưởng tới khả năng quang hợp của cây, do đó bệnh sẽ gián tiếp ảnh hưởng tới chất lượng và năng suất củ.

2. Bệnh khảm lá hại khoai sọ

Tác nhân gây bệnh:

Bệnh do virus Dasheen mosaic virus (DMV) gây ra. Virus này được lây truyền nhờ rệp hoặc từ các củ giống, chồi giống cây mẹ.

Triệu chứng bệnh:

Bệnh khảm lá gây hại mạnh từ giai đoạn cây mới mọc cho tới 80-100 ngày sau trồng là đỉnh điểm của bệnh. Giai đoạn sau trồng 130-140 ngày triệu chứng bệnh thể hiện không rõ hoặc có thể mất hẳn.

Khảm lá được chia làm 3 dạng triệu chứng: khảm lá vàng gân xanh, khảm lá lông chim hoặc làm biến dạng lá.

Các lá bị khảm thường có màu xanh vàng bất thường xen kẽ nhau. Các lá này thường bị cuốn lại và biến dạng một phần hoặc toàn bộ lá. Cây khoai sọ nhiễm bệnh thường còi cọc, chậm phát triển so với các cây xung quanh.

Khảm lá dẫn tới giảm diện tích quang hợp cũng như gây giảm khả năng đẻ nhánh, hạn chế sức nảy mầm của chồi, từ đó bệnh gây giảm số củ/khóm, trực tiếp dẫn tới giảm năng suất, chất lượng củ.

3. Sâu khoang hại khoai sọ

Sâu khoang là loài gây hại trên nhiều cây trồng nói chung và khoai sọ nói riêng.

Đặc điểm hình thái: 

Sâu khoang thuộc họ ngài đêm; trưởng thành của chúng hoạt động và đẻ trứng vào ban đêm. Trứng được đẻ ở mặt dưới của lá.

Sâu khoang gây hại khoai sọ
Sâu khoang gây hại

Triệu chứng và tác hại:

Sâu non khi nở ra sẽ gặm phần xanh ở mặt dưới lá. Mật độ sâu lớn chúng sẽ gặm hết cả lớp diệp lục của lá khoai sọ và chỉ để lại lớp màng mỏng phía trên lá.

Triệu chứng gây hại của sâu khoang
Triệu chứng gây hại của sâu khoang

Sâu tuổi lớn có thể ăn hết tất cả phần thịt lá của toàn bộ cây chỉ để lại phần gân lá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của cây.

4. Biện pháp phòng trừ tổng hợp

Để phòng trừ tốt các sâu bệnh gây hại trên khoai sọ, ngoài sử dụng các loại chế phẩm sinh học khi mật độ sâu bệnh có xu hướng tăng mạnh bà con có thể áp dụng các biện pháp sau từ đầu vụ:

  • Luân canh cây khoai sọ với các cây trồng khác họ hoặc cây trồng nước.
  • Dùng giống sạch bệnh được lấy từ các ruộng sạch bệnh vụ trước.
  • Lên luống khoai sọ thoát nước tốt.
  • Dọn sạch cỏ dại trong quá trình trồng khoai sọ.
  • Trồng cây khoai sọ với mật độ khuyến cáo của cơ quan khuyến nông địa phương để đảm bảo thông thoáng luống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.