1. Xuất khẩu chính ngạch là gì?
Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nếu không phải theo hình thức “trao đổi cư dân” thì đều là xuất khẩu chính ngạch, tức là tuân thủ toàn bộ các quy định của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu, trong đó có các quy định về thuế, phí cũng như về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác v.v… Do đáp ứng được toàn bộ các tiêu chuẩn của Trung Quốc nên hàng xuất khẩu chính ngạch có thể vào Trung Quốc qua tất cả các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên biên giới đất liền mà không phải ùn ứ chờ đợi ở một vài cửa khẩu phụ, lối mở dành cho trao đổi cư dân như Tân Thanh (Lạng Sơn) hay cầu phao tạm tại Km3+4 Móng Cái (Quảng Ninh). Trái cây xuất khẩu chính ngạch là các loại trái cây đã được chính thức cho phép nhập khẩu vào Trung Quốc, sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy định khác của các cơ quan chức năng.
2. Xuất khẩu tiểu ngạch là gì?
Xuất khẩu tiểu ngạch trên thực tế chính là trao đổi hàng hóa giữa cư dân 2 bên biên giới. Do là trao đổi cư dân nên hình thức giao dịch rất đơn giản, thường là không đòi hỏi hợp đồng bằng văn bản với các điều khoản chặt chẽ về nghĩa vụ của các bên. Khâu thanh toán cũng rất linh hoạt, thậm chí có thể dùng tiền mặt. Tuy nhiên, hàng chỉ có thể đi qua một số cửa khẩu phụ, lối mở mà 2 bên thống nhất mở cho
trao đổi cư dân nên khi vào vụ thu hoạch thường xảy ra ùn tắc. Hoạt động “tiểu ngạch” này được các thương nhân thúc đẩy trong những năm qua nhằm tận dụng chính sách điều hành linh hoạt của chính quyền địa phương Trung Quốc như: ưu đãi thuế, chủng loại sản phẩm xuất khẩu linh hoạt (có thể mua
bán các mặt hàng chưa được mở cửa thị trường theo đường chính ngạch), chất lượng sản phẩm đa dạng, chưa coi trọng việc truy xuất nguồn gốc, v.v…
3. Ưu điểm, nhược điểm của xuất khẩu chính ngạch so với tiểu ngạch?
Xuất khẩu chính ngạch có ưu điểm so với xuất khẩu tiểu ngạch là:
– Giao kết hợp đồng thường được thực hiện theo thông lệ quốc tế với các quy định rõ ràng về mặt hàng, đơn giá, quy cách, về chất lượng hàng hóa, đóng gói, phương thức vận tải, phương thức giao hàng, phương thức thanh toán, giải quyết tranh chấp, v.v…
– Hàng hóa có nguồn gốc, chứng từ rõ ràng, được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và đảm bảo truy xuất nguồn gốc nên thông quan nhanh.
– Khi có biến động thị trường hoặc chịu tác động bởi các sự kiện không lường trước được trong quá trình giao hàng, các bên sẽ cùng thỏa thuận theo điều khoản hợp đồng, các trường hợp ép giá sẽ bị hạn chế.
– Việc giao hàng thường được thực hiện theo tập quán quốc tế nên phân chia rõ trách nhiệm, rủi ro cho bên mua và bên bán; việc chậm trễ hoặc ách tắc giao hàng cũng được giảm thiểu.
– Phương thức vận tải đa dạng, có thể xuất khẩu bằng đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không.
– Quá trình thanh toán được đảm bảo thông qua các phương thức thanh toán quốc tế phổ biến.
– Thuận lợi trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, hoàn thuế giá trị gia tăng.
– Ít chịu tác động từ cơ chế chính sách quản lý linh hoạt của các địa phương biên giới.
– Xây dựng và nâng cao chất lượng hàng hóa; góp phần định hướng phát triển, nâng cao năng lực và thương hiệu doanh nghiệp trong trung và dài hạn.
Tuy nhiên, so với xuất khẩu tiểu ngạch, xuất khẩu chính ngạch có một số nhược điểm sau:
– Không linh hoạt về chất lượng và tiêu chuẩn như xuất khẩu tiểu ngạch.
– Chi phí đầu tư cho sản xuất, xuất khẩu chính ngạch của doanh nghiệp, hộ nông dân cao hơn.
4. Tại sao doanh nghiệp cần xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc?
Sở dĩ các thương nhân cần chủ động chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch vì trong những thời điểm khó khăn nhất xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông bình thường, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch tiềm ẩn rất nhiều rủi
ro. Xuất khẩu chính ngạch ổn định hơn và chính là động lực để thúc đẩy sản xuất các sản phẩm có chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm.
Nguồn: Cục XNK Bộ Công Thương
Đăng ký nhận Cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc – Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương